Du lịch hướng về cội nguồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh những ngôi chùa với lối kiến trúc uy nghiêm và thanh thoát, Gia Lai còn có các công trình văn hóa tâm linh hướng về nguồn cội, công đức cha ông xưa... Đến đây, du khách không những tìm thấy cho mình xúc cảm yên bình mà còn có cơ hội hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc.

Đền thờ Quốc Tổ

Tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 10.000 m2 tại Công viên văn hóa Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku), Đền thờ vua Hùng (Đền Hùng) được xem là công trình của tâm linh, của tín ngưỡng, của sự ngưỡng vọng và tôn thờ truyền thống văn hóa, lịch sử tổ tiên dân tộc. Từ khi khánh thành đưa vào sử dụng đến nay, Đền Hùng đã trở thành nơi để đông đảo cán bộ các cấp và nhân dân trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đến dâng hương bày tỏ lòng thành kính, tri ân tổ tiên vào các dịp lễ, tết và đặc biệt là ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Âm lịch hàng năm. Đây cũng là Đền Hùng đầu tiên tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

 

Quang cảnh Đền Hùng ngày Tết. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh Đền Hùng ngày Tết. Ảnh: Hồng Thi

Công trình được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2007 với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng và hoàn thành vào một năm sau đó. Năm 2009, nhân dịp giỗ Quốc Tổ, Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai đã cử đoàn cán bộ ra tận Đền Hùng Phú Thọ để xin đất, nước, chân nhang, rước về thờ và làm lễ khánh thành.

Đền Hùng tại TP. Pleiku gồm có điện thờ chính cao 18 m, 2 tầng, mái cách điệu theo kiểu nhà rông Tây Nguyên với kiến trúc nội-ngoại thất hài hòa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cổng có 2 trụ vuông, 2 trụ tròn bề thế, vững chắc, trang trí hoa văn họa tiết tinh xảo bằng đá của vùng cố đô Ninh Bình. Mái đền lợp ngói âm dương; gạch lát sàn, tranh trang trí bằng gốm cao cấp do các nghệ sỹ thực hiện “Con đường gốm sứ Hà Nội” đảm nhận. Bên trong là tượng Quốc tổ Hùng Vương bằng gỗ mít cao 6 mét uy nghi. Các đồ đúc bằng đồng trưng bày tại đền đều do nghệ Hà Nội trau chuốt.

 

Đền thờ Quốc Tổ đã trở thành nơi để cán bộ và nhân dân trong cũng như ngoài tỉnh đến dâng hương bày tỏ lòng thành kính, tri ân tổ tiên. Ảnh: Hồng Thi
Đền thờ Quốc Tổ đã trở thành nơi để cán bộ và nhân dân trong cũng như ngoài tỉnh đến dâng hương bày tỏ lòng thành kính, tri ân tổ tiên. Ảnh: Hồng Thi

Phía trước sân là quần thể 18 tượng Vua Hùng uy nghi, mỗi tượng cao hơn 4 m (bao gồm cả phần đế tượng) và được bày trí thành 2 hàng theo thứ tự từ vua Hùng Vương thứ nhất đến vua Hùng Vương thứ mười tám. Ngoài ra, để thêm phần sinh động, đồng thời giúp du khách hiểu hơn về thời đại Hùng Vương, trên các bức tượng có ghi chú tên, húy, tuổi, số con, cháu của mỗi vị vua Hùng. Những số liệu đó được trích từ nguồn tài liệu “Giới thiệu khu di tích lịch sử Đền Hùng” của tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và được Sở Văn hóa-Thông tin Phú Thọ xuất bản năm 2006.

Hàng năm, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng-Công viên Đồng Xanh đều được tổ chức với phần nghi lễ trang trọng, linh thiêng, thành kính theo truyền thống dân tộc. Cùng với đó, phần hội đã gắn kết các hoạt động văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; dạy cho thế hệ trẻ niềm tự hào, lòng biết ơn đối với những lớp người đi trước; đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm du lịch của Gia Lai.

 

Tổ đình An Lũy-nơi thờ thần và 3 anh em nhà Tây Sơn. Ảnh: Hồng Thi
Tổ đình An Lũy-nơi thờ thần và 3 anh em nhà Tây Sơn. Ảnh: Hồng Thi

Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo

Đó là một quần thể gồm nhiều cụm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn thuộc thị xã An Khê (cách TP. Pleiku khoảng hơn 90 km về hướng Đông). Ngày 14-6-1991, quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đến đây, du khách sẽ được ôn lại truyền thống hào hùng cũng như các chiến công hiển hách của phong trào nông dân Tây Sơn. Chính từ vùng đất An Khê này, đại quân đã tràn xuống đồng bằng làm nên chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lẫy lừng vào Tết Kỷ Dậu 1789, quét sạch 29 vạn quân Thanh, giữ yên bờ cõi. 225 năm trôi qua, chiến công của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ vẫn là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Một điều đặc biệt nữa là, các anh em nhà Tây Sơn đã tạo lập được mối quan hệ anh em giữa người Kinh và người Thượng, tập hợp được các dân tộc Bắc Tây Nguyên ở vùng Tây Sơn Thượng đạo như người Bahnar, Jrai vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

 

Tượng vua Quang Trung-Nguyễn Huệ đặt giữa sân đình. Ảnh: Hồng Thi
Tượng vua Quang Trung-Nguyễn Huệ đặt giữa sân đình. Ảnh: Hồng Thi

Không những thế, về với miền đất này, du khách sẽ được “mục sở thị” các chứng tích lịch sử tại căn cứ địa đầu tiên mà ba anh em họ Nguyễn lựa chọn để phát động cuộc khởi nghĩa. Các di tích phần lớn nằm trên địa phận của thị xã An Khê, huyện Kbang và huyện Kông Chro, gồm: An Khê Đình, An Khê Trường, Gò Chợ, hòn đá ông Bình, hòn đá ông Nhạc, vườn mít-cánh đồng Cô Hầu, nền nhà-hồ nước và kho tiền ông Nhạc. Trong đó, An Khê Trường là nơi giao tiếp của anh em nhà Tây Sơn với đồng bào Bahnar để tập hợp lực lượng; đồng thời cũng là nơi nghĩa quân làm lễ khởi binh trước khi tiễn quân xuống đồng bằng 1773. An Khê Đình là nơi anh em Tây Sơn đóng sở chỉ huy buổi đầu tập hợp lực lượng khởi nghĩa. Khi Nguyễn Ánh lập lại vương triều, việc thờ cúng anh em Tây Sơn bị nghiêm cấm nên nhân dân địa phương lập đền thờ trá hình Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ.
 

Ảnh: Hồng Thi
Ảnh: Hồng Thi

Hàng năm, cứ vào mùng 4 Tết, chính quyền cùng đông đảo nhân dân của thị xã An Khê và các địa phương lân cận lại tập trung về khu vực An Khê Trường để tham dự Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, dâng hương tưởng nhớ công ơn của ba anh em nhà họ Nguyễn. Đây là một hoạt động có ý nghĩa lớn nhằm giáo dục thế hệ sau về lòng biết ơn cũng như việc phải giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông đi trước. Nếu có cơ hội ghé thăm đúng dịp ấy, chắc hẳn trong lòng mỗi du khách sẽ đọng lại nhiều ấn tượng khó phai về một vùng đất giàu văn hóa, lịch sử này.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm