Một thoáng Ban Lung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã hai lần tôi đến Ban Lung-tỉnh lỵ Ratanakiri, Vương quốc Campuchia nhưng cũng chỉ như “chuồn chuồn đạp nước”, “cưỡi ngựa xem hoa” nên khó mà có được cái nhìn toàn cục, sâu sắc nếu có ai hỏi về một đô thị nhỏ của nước bạn sát gần biên giới tỉnh Gia Lai-Việt Nam.

Lần đầu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh do anh Trần Lập-Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu nơi đây hướng dẫn, tôi được anh em cửa khẩu phía bạn Oyadav-Campuchia tiếp đón ân cần. Từ đây, tôi được bố trí ngồi xe riêng của ông bạn Trưởng đồn Công an Cửa khẩu Oyadav, có tên là Rock Kha, người Khmer-Campuchia thẳng tiến về thị xã Ban Lung theo quốc lộ 78. Rock Kha nói tiếng Việt khá sõi, và tỏ ra rất tự hào về đất nước Chùa Tháp của mình.

 

Hồ Yeak Laom. Ảnh: Sơn Ca
Hồ Yeak Laom. Ảnh: Sơn Ca

Tôi cho anh biết là mình đã từng đến Angkor Thom, Angkor Wat và thực sự ngưỡng mộ kỳ quan thế giới của nước bạn, khâm phục sự tài hoa của người Khmer cổ đại đã làm nên một đền đài kỳ vĩ trơ gan cùng với thời gian. Xe chúng tôi chạy qua những vùng đất tươi tốt, bằng phẳng kéo dài cả trăm kilomet, rộng ngút tầm mắt nhưng dân cư thưa thớt. Nơi đây xưa kia là rừng già với nhiều động thực vật quý hiếm điển hình của khu vực Đông Nam Á.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước Campuchia hồi sinh sau thảm họa diệt chủng của Khmer, dần dần người dân biến nơi này thành những vùng đất canh tác cây công nghiệp trù phú. Đập vào mắt tôi là những vườn điều ngút ngàn, những cánh rừng cao su lưu niên, mới trồng xanh tươi trải dài tít tắp. Rock Kha khoe với tôi, ở đây có nhiều doanh nhân, công ty Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đã sang liên kết làm ăn, nhất là thuê đất mở các điền trang trồng cao su và các loại cây công nghiệp khác.

Riêng gia đình anh cũng đã tranh thủ trồng được 60 ha cao su và tiêu, đang dự tính sẽ mở rộng lên 100 ha. Hiện tại, cư dân nơi đây còn nghèo, nhưng với đà phát triển như hiện nay, vùng đất này sẽ trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong tương lai gần. Người dân Ban Lung và Ratanakiri nói chung chủ yếu giao thương với người dân Gia Lai qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Vì thế, sự phát triển mạnh của Gia Lai sẽ có tác động lớn đến vùng đất liền kề của phía bạn. Vấn đề nổi lên qua câu chuyện dọc đường, tôi biết rằng, tiềm năng hiện tại trên đất nước bạn còn nhiều, cụ thể như vùng Ratanakiri này, đất đai rộng, phì nhiêu nhưng nguồn nhân lực rất thiếu, kỹ thuật canh tác lạc hậu, còn mang nặng lối sản xuất tự cung tự cấp. Nếu có bước đột phá thì cũng cần có một lộ trình cụ thể và một chính sách vĩ mô có tầm nhìn chiến lược, trong đó không thể không có sự giúp đỡ từ phía những người bạn láng giềng như Việt Nam.

Lần thứ hai tôi qua Ban Lung với sự giúp đỡ của một cựu chiến binh từng là Quân Tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, hiện là phiên dịch tiếng Cam cho các đoàn Việt Nam-anh Võ Văn Sung. Anh là người khá thông thạo về đất nước và con người Campuchia nên có được anh làm hướng dẫn viên thì tuyệt vời. Lần này tôi được anh cho đi thăm thú một số danh thắng xung quanh Ban Lung.

Tưởng rằng, đây là vùng đất khô khan, nắng cháy, nhưng không, Ban Lung có nhiều hồ nước ngọt lớn là những miệng núi lửa đã tắt cũng như hồ Ia Nueng (Biển Hồ) ở TP. Pleiku-Gia Lai. Tuy không rộng bằng Biển Hồ-Pleiku nhưng các hồ tự nhiên nơi này còn rất nguyên sơ nằm ngay trong lòng đô thị nên tạo môi trường trong lành dễ gây ấn tượng cho du khách. Nổi bật là hồ Yeak Laom, cách trung tâm đô thị khoảng l km, rộng chừng 5 ha, nước sâu xanh thẳm một màu được bao phủ xung quanh là khu rừng nguyên sinh với cây cối um tùm trông rất hoang dã.

Tôi đến dạo hồ Yeak Laom vào buổi chiều, trời đầy mây mù nhưng không mưa, các đoàn du khách tây, ta vẫn đổ về đây thưởng ngoạn, tắm hồ. Xung quanh bờ hồ người ta thiết kế nhiều sàn bằng gỗ vươn ra mặt nước từ 7 đến 10 mét để làm bãi tắm cho những ai thích ngụp lặn với dòng nước xanh biếc đã có từ hàng triệu năm rồi. Mặt hồ yên không một chút sóng gợn với rừng cây che phủ tạo nên một không gian tĩnh mịch đầy bí ẩn càng khiến cho hồ Yeak Laom thêm huyền ảo, ly kỳ.

Người ta kể rằng, có những năm mặt nước hồ bỗng dưng biến sắc, đục vàng không còn trong xanh như thường lệ và không một ai dám tắm hồ. Không lý giải được nguyên nhân, dân gian cho đó là khi thần cai quản hồ nổi giận nên các nhà sư ở chùa lân cận kéo về đây lập đàn tế trời, phật để cho hồ trong xanh trở lại. Và quả nhiên có sự trùng hợp kỳ lạ là sau những lời kinh kệ chân thành của các nhà sư thì mặt nước hồ Yeak Laom được trả về trạng thái tự nhiên ban đầu của nó.

Cư dân sống quanh hồ đến nay vẫn giữ một niềm tin linh thiêng ấy. Tôi không thấy có hiện tượng cư dân đánh bắt cá ven hồ. Các dịch vụ du lịch nơi đây còn hết sức thô sơ với một vài gian hàng bán đồ lưu niệm, nước giải khát. Cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch, đầu tư nên quang cảnh còn khá nguyên sơ. Có lẽ chính vì còn giữ được những nét tự nhiên, hoang dã đó, nó đã có sức hút đối với du khách phương Tây.

Chúng tôi còn được anh Sung hướng dẫn đi thăm núi Svay và tượng Phật gối đầu cũng cách Ban Lung không xa. Đây là ngọn núi cao nhất trong vùng, có thể quan sát được cả thị xã Ban Lung.  Trước đây, Quân Tình nguyện Việt Nam sử dụng nơi này làm tiền đồn để đánh đuổi bọn Pôn Pốt-Iêng Sary. Sau khi Quân Tình nguyện rút về nước, người dân địa phương cho xây tượng Phật Thích Ca nằm khá lớn chiếm trọn đỉnh đồi; đồng thời bên cạnh đó có trồng cây Vô ưu, nghe đâu do các nhà sư Ấn Độ tặng, nó có hoa và trái rất đẹp. Tượng Phật nằm nghiêng, tư thế chống tay lên đầu, mặt thản nhiên, bình tâm nhìn ra cây Vô ưu, khiến du khách có cảm giác được thanh tịnh trong những giây phút thư giãn trên ngọn núi Svay.

Sau khi thăm thú, chúng tôi trở về chợ Ban Lung, nơi trung tâm thương mại của tỉnh bạn mới xây dựng. Không ồn ào, tấp nập như những trung tâm thương mại ở Việt Nam, và hàng hóa không mấy phong phú, nhất là sản phẩm của địa phương, nhưng chợ nơi đây có quan hệ mật thiết về thương mại với Gia Lai-Việt Nam. Tôi đặc biệt chú ý đến loại đặc sản đá quý của vùng đất này, đó là zicon lục và amethyst (thạch anh tím) rất nổi tiếng của Ratanakiri được bày bán ở khắp các gian hàng trước cổng chợ.

Theo tiếng Phạn thì ratna là đá quý và giri là núi-điều đó chứng tỏ rằng, ngay từ ngày xưa người dân nơi đây đã từng phát hiện những mỏ đá quý lộ thiên ở vùng đất giàu tiềm năng này.

Hành trình tuy ngắn ngủi nhưng được biết thêm về một vùng đất mới của bạn đã cho tôi nhiều điều thú vị. Có câu ngạn ngữ rằng: Bạn không thể nhìn ra xa thế giới được nếu bạn không biết bên cạnh chân mình có gì.

Bùi Quang Vinh
 

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.