Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc 700 tỷ USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD vào ngày hôm nay (15/12). Đây là mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
 


Trước đây, trong năm 2020 và 2021, Việt Nam lần lượt đạt các mốc 500 tỷ USD, 600 tỷ USD. Riêng năm 2022, đến thời điểm này (15-12) kim ngạch xuất khẩu đã đạt 700 tỷ USD (tính đến ngày 14-12-2022, trị giá xuất nhập khẩu là 698,5 tỷ USD). Theo Tổng cục Hải quan, với kết quả ấn tượng năm nay, thứ hạng xuất nhập khẩu của nước ta có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.

Hải quan đồng hành tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hải quan đồng hành tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.


Được biết, theo công bố của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong năm 2006, nền kinh tế Việt Nam được xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa.

Sau hơn 10 năm, đến năm 2018, Việt Nam đã có bước tăng ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận Việt Nam xếp hạng 23 trên thế giới về xuất khẩu và thứ 20 về nhập khẩu. Trong khu vực ASEAN, xuất và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Singapore.

Theo thống kê gần nhất của cơ quan hải quan cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 11-2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, nhóm FDI chiếm trên 66% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Về các thị trường, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 101 tỷ USD, tăng gần 18% (tương ứng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt hơn 109 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng 9,93 tỷ USD). Theo đó, xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc trong 11 tháng đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD-mức cao nhất từ trước đến nay. Đến hết 30-11, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 10,6 tỷ USD.

Cũng Tổng cục Hải quan: Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh (cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính,…) qua đó tạo môi trường kinh doanh hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.

 


HUỲNH LÊ (baochinhphu.vn; nhandan.vn; vnexpress.net)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.