Nhóm hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu cả nước thu về hơn 312 tỷ USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với đà tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm hàng chủ lực, tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Hải phòng. (Ảnh: TTXVN)
Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Hải phòng. (Ảnh: TTXVN)


Các thị trường chủ lực, trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản... đều duy trì mức tăng cao đã tạo động lực mạnh mẽ cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng.

Xuất khẩu vào Mỹ, EU giữ mức tăng 2 con số

Theo đại diện Bộ Công Thương, tính trong tháng 10/2022, xuất khẩu thu về khoảng 30,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 312,8 tỷ USD (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước).

Đi vào chi tiết các ngành hàng cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, các nhóm hàng chủ lực vẫn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Đơn cử, nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp khoảng 269,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Crong nhóm này, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, như: phân bón các loại tăng 153%;  hóa chất, tăng 40,8%; sản phẩm hóa chất tăng 31,2%; Hàng dệt và may mặc tăng 22%; Giầy, dép các loại tăng 41%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 35%...

Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản cũng đạt khoảng 25,8 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.

Riêng nhóm này, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng đạt mức tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Bộ Công Thương, các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giữ mức tăng trưởng cao, trong đó thị trường Trung Quốc ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.

Tại thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn từ các tác động của đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất sau 10 tháng năm nay.

Hỗ trợ doanh nghiệp để tăng tốc chặng về đích

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu sau 10 tháng cũng đạt con số khoảng 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, theo thống kê, nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 269 tỷ USD, chiếm 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 12,2% so với cùng kỳ và cũng là nhóm chính phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Với kết quả trên, trong tháng 10/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Để tiếp tục đạt được các mục tiêu xuất khẩu cao những tháng tiếp theo, bên cạnh các giải pháp về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp về xuất nhập khẩu, các đơn vị của Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Thông tin về lĩnh vực thị trường, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại đề nghị các tham tán thương mại cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

“Thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam,” ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất.

Cùng với đó, tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

- Cán cân thương mại 10 tháng của Việt Nam:

 



Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, trong đó các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận C/O… cần được đẩy nhanh thông qua việc ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.

Theo Đức Duy (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm