Gia Lai đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành vừa ký văn bản số 2685/UBND-KTTH về việc thực hiện Công điện 1076/CĐ-TTg ngày 10-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Tại Công điện số 1076/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đó, tính đến ngày 10-11, khối lượng thực hiện là 1.337,561/3.232,284 tỷ đồng, đạt 41,38% kế hoạch vốn được giao; giá trị giải ngân 1.501,046/3.232,284 tỷ đồng, đạt 46,44% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương khối lượng thực hiện là 1.089,625/1.985,079 tỷ đồng đạt 54,89% kế hoạch; giải ngân 1.025,626/1.985,079 tỷ đồng đạt 51,67% kế hoạch.
Với nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn trong nước hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu là 152,713/1.021,690 tỷ đồng đạt 14,95% kế hoạch; giải ngân 394,221/1.021,690 tỷ đồng đạt 38,59% kế hoạch. Vốn nước ngoài, khối lượng thực hiện tính đến ngày 10-11 là 95,222/225,515 tỷ đồng đạt 42,22% kế hoạch; giải ngân 81,199/225,515 tỷ đồng đạt 36,01% kế hoạch.
Thi công hạng mục sân bê tông Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Thi công hạng mục sân bê tông Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Về thực hiện và giải ngân các chủ đầu tư, với 30 cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn năm 2022 (17 huyện, thị xã thành phố và 17 đơn vị cấp tỉnh) thì số lượng các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp chiếm phần lớn. Cụ thể, đối với các chủ đầu tư là các huyện, thị xã, thành phố tỷ lệ giải ngân chung là 64,8%, trong đó giải ngân trên mức trung bình chung có 6 đơn vị là TP. Pleiku 80,9%, thị xã An Khê 92,8%, huyện Chư Prông 95,3%, huyện Đức Cơ 74,6%, huyện Kbang 73,2%, huyện Kông Chro 72,6%. Giải ngân dưới mức trung bình chung nhưng cao hơn 20% có 11 đơn vị: Thị xã Ayun Pa 48,4%; huyện Chư Păh 36,5%; huyện Chư Pưh 47,4%; huyện Chư Sê 55,6%; huyện Đăk Đoa 59,2%; huyện Đăk Pơ 35,5%; huyện Ia Grai 51,0%; huyện Ia Pa 64,4%; huyện Krông Pa 53,3%; huyện Mang Yang 44,6%; huyện Phú Thiện 44,6%.
Đối với các chủ đầu tư là các sở, ban, ngành của tỉnh tỷ lệ giải ngân chung chỉ mới 40,9%; trong đó, giải ngân cao nhất là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 83,1%. Các đơn vị còn lại có giá trị giải ngân thấp, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh 51,2%; Ban quản lý các dự án ĐTXD tỉnh 46,2%; Ban quản lý Khu kinh tế 60,9%; các Ban quản lý rừng phòng hộ 21,3%; Sở Nông nghiệp và PTNT 20,9%; Sở Tài nguyên và Môi trường 78,3%; Sở Kế hoạch và Đầu tư 16,7%; Sở Khoa học và Công nghệ 14,9%; Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh 26,7%; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 19,6%; Sở Y tế 67,2%; Sở Giáo dục và Đào tạo 55,2%; Ban quản lý Khu bảo tồn Kon Chư Răng 8,2%.
Các đơn vị chưa có khối lượng thực hiện 0% lẫn giải ngân 0%, Chi cục Kiểm lâm 260 triệu đồng chuẩn bị đầu tư năm 2023; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (Dự án thủy lợi Ia Prat, 3 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư năm 2021 chuyển sang năm 2022, số vốn này không điều chuyển được nên sẽ bị mất, vì hiện nay nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án này đã chuyển sang UBND huyện Chư Păh).
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án ĐTXD tỉnh thực hiện nghiêm Công điện số 1076/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15-9-2022 của Chính phủ, Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 17-10-2022 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, khẩn trương phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch địa phương; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Thi công Dự án nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua thị xã An Khê (Gia Lai). Ảnh: Minh Nguyễn
Thi công Dự án nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua thị xã An Khê (Gia Lai). Ảnh: Minh Nguyễn
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn từ công trình không có khả năng giải ngân sang các công trình, dự án có khối lượng đảm bảo khả năng giải ngân vốn năm 2022; xây dựng kế hoạch năm 2023 sát với tình hình thực tế của các địa phương và của các chủ đầu tư.
Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài chính cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng bảo đảm theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 9-2-2021 của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi. Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công.
Các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT và các sở chuyên ngành thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chủ động tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, nhanh chóng triển khai các thủ tục đầu tư đảm bảo theo quy định để các chủ đầu tư triển khai công tác đấu thầu, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và các dự án chuẩn bị đầu tư năm 2023. Đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Sở Tài nguyên và Môi trương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra và xử lý toàn bộ việc cấp giấy phép khai thác mỏ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án theo đúng quy định. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.
UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án ĐTXD tỉnh chủ động, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn. Phối hợp chặt chẽ với các sở, cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định, đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.
Phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân từng dự án; kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Riêng đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương và kế hoạch vốn nước ngoài cho vay lại một cách độc lập đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài trong năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1298/VPCP-QHQT ngày 1-3-2021 của Văn phòng Chính phủ.
LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.