Thủy điện An Khê-Ka Nak ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo ông Đặng Văn Tuần-Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak, chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tiết kiệm nhân lực, thời gian, nâng cao năng suất lao động.

Hòa nhập với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Công ty đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động nắm vững chủ trương, định hướng của đơn vị về chuyển đổi số. Đến nay, 100% cán bộ, công nhân viên nắm vững nhiệm vụ, lộ trình trong chuyển đổi số; có nhận thức cơ bản về chuyển đổi số; có kỹ năng ứng dụng thông tin cơ bản; nhận thức rõ được vai trò của an toàn thông tin, nguy cơ mất an toàn thông tin và biện pháp phòng tránh.

 Áp dụng chuyển đổi số vào tất cả các hoạt động giúp Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Ảnh: Thu Hoài
Áp dụng chuyển đổi số vào tất cả các hoạt động giúp Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Ảnh: Thu Hoài


Anh Phạm Thanh Thọ-Quản đốc Phân xưởng vận hành Nhà máy Thủy điện An Khê-cho hay: Hiện nay, các nhà máy thủy điện trực thuộc đã áp dụng phần mềm dùng chung của EVN vào vận hành, khai thác đa số phân hệ trên phần mềm giúp Công ty quản lý kỹ thuật một cách hiệu quả, khoa học như: phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS), phần mềm quản lý nhân lực (HRMS), hệ thống quản lý thông tin lệnh điều độ giữa cấp điều độ có quyền điều khiển với nhà máy điện (DIM), hệ thống DCS, hệ thống SCADA, hệ thống cảnh báo lũ từ xa bằng điện thoại.

“Thông qua phần mềm quản lý kỹ thuật, Công ty có thể khai thác thông tin của thiết bị như đặc tính kỹ thuật; thông số vận hành của thiết bị, vật tư; thông tin về an toàn khi thực hiện công tác trên thiết bị (nhận diện các mối nguy và biện pháp đảm bảo an toàn và tài liệu đính kèm đối với thiết bị đó). Bên cạnh đó, Công ty có thể khai thác thông tin về quá trình vận hành của thiết bị, tạo sự linh hoạt trong quản lý, khai thác cho nhân viên vận hành hay quản lý quá trình sản xuất gồm: truy xuất thông số vận hành của thiết bị; thực hiện nhật ký vận hành điện tử; quản lý phiếu thao tác, phiếu công tác; cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hồ chứa”-anh Thọ cho biết.

Còn anh Đặng Quốc Anh-Quản đốc Phân xưởng sửa chữa thì chia sẻ: “Trên cơ sở hoàn thiện các dữ liệu phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện PMIS, Công ty đã xây dựng phương án “Sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM)”. Việc lập hồ sơ bảo dưỡng, sửa chữa theo RCM đã hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá, ra quyết định công việc bảo dưỡng, lập hồ sơ bảo dưỡng, sửa chữa một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian đối với các năm tiếp theo”.

Ngay từ đầu năm 2022, Công ty đã áp dụng phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM) trên các hạng mục là đại tu tổ máy H1, duy tu bảo dưỡng tổ máy H2 của Nhà máy Thủy điện Ka Nak; trùng tu tổ máy H1, duy tu bảo dưỡng tổ máy H2, trạm phân phối của Nhà máy Thủy điện An Khê và các thiết bị liên quan khác. Nhờ đó, việc sửa chữa lớn tại các nhà máy không những hoàn thành trước thời gian mà còn giúp hệ thống thiết bị hoạt động ổn định, vận hành an toàn, các thông số kỹ thuật đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

 

 Áp dụng chuyển đổi số vào tất cả các hoạt động, giúp Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Ảnh: Thu Hoài
Áp dụng chuyển đổi số vào tất cả các hoạt động, giúp Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Ảnh: Thu Hoài


Bên cạnh đó, quá trình tự động hóa, chuyển đổi số trong công tác lệnh điều độ vận hành Công ty đã được trang bị và vận hành Hệ thống phần mềm quản lý lệnh điều độ điện tử (DIM). Hệ thống này được kết nối trực tiếp tới Phòng điều độ (SO), A0 để thao tác nhận lệnh và thực hiện lệnh điều độ hoàn toàn trên máy tính theo thời gian thực thay thế cho lệnh điều độ bằng số điện thoại hotline đến trưởng ca như trước đây. Các dữ liệu về thời gian bắt đầu, thời gian nhận lệnh, thời gian thực hiện, công suất yêu cầu và công suất thực hiện được lưu trữ để làm cơ sở dữ liệu phục vụ tính toán thanh toán trong thị trường điện.

Trao đổi cùng P.V, ông Đặng Văn Tuần-Giám đốc Công ty-cho biết: Chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tiết kiệm nhân lực, thời gian, nâng cao năng suất lao động. Tính đến đầu tháng 9-2022, Công ty đã sản xuất được 577,092 triệu kWh điện, đạt 100% kế hoạch năm 2022 do Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) giao, về đích trước 112 ngày. Dự kiến đến ngày 31-12-2022, đơn vị sẽ sản xuất hơn 722 triệu kWh, vượt 25% kế hoạch được giao. “Thời gian tới, Công ty tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, xây dựng và triển khai mạnh mẽ giải pháp số hóa vào vận hành sản xuất, đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả sản xuất kinh doanh”-ông Tuần thông tin thêm.

 

 NGỌC MINH

 

Có thể bạn quan tâm