Thực phẩm sạch và niềm tin của người tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chất lượng thực phẩm luôn là đề tài chưa bao giờ hết “nóng”. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền cao hơn để mua thực phẩm sạch, có chất lượng. Do đó, người sản xuất cũng cần phải xây dựng niềm tin với khách hàng.

Mua bằng niềm tin  

Liên tục theo dõi các thông tin liên quan đến vụ việc nấm Trung Quốc được “thay tên đổi họ” thành hàng VietGAP, chị Nguyễn Tiểu Mi (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) vô cùng lo ngại khi hàng ngày mình chấp nhận bỏ một khoản tiền cao hơn để mua… sự an toàn cho sức khoẻ. Chị Mi cho hay, khi mua sản phẩm ngoài việc nhìn bề ngoài, kiểm tra thông tin nguồn gốc, xuất xứ, tên thương hiệu, thì thói quen và niềm tin là yếu tố để đi đến quyết định có mua sản phẩm hay không. “Chất lượng là do người sản xuất. Nếu chẳng may mình mua hàng không đạt tiêu chuẩn nhưng lại đội lốt hàng sạch thì thật đáng sợ. Giữa ma trận thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn”-chị Mi bày tỏ lo ngại.

Hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn rất lớn, người dùng sẵn sàng chi tiền để được sử dụng. Chính vì vậy, nhiều cửa hàng thực phẩm sạch đã mọc lên và nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng. Chị Nguyễn Thị Thu-cửa hàng thực phẩm sạch tại 195 Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) cho biết, nguồn thịt được lấy từ cửa hàng của CP, các loại rau củ đa phần được nhập từ Công ty Hương Đất An Phú. Hàng nhập vào đều có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nên khách hàng rất tin tưởng. Sau một thời gian đi vào hoạt động, cửa hàng đã có được một lượng khách hàng lẻ ổn định, cũng như một số bếp ăn tập thể ở trường học và công ty.

Chất lượng thực phẩm luôn là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Vũ Thảo
Chất lượng thực phẩm luôn là được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Ảnh: Vũ Thảo


Qua khảo sát ở một số cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị cho thấy, giá bán thực phẩm sạch, thực phẩm có chứng nhận tiêu chuẩn an toàn hay hữu cơ luôn cao hơn 20-30% so với giá hàng thông thường. Trên thực tế, khi mua một sản phẩm nào đó, ngoài đánh giá chất lượng, người tiêu dùng còn xét đến yếu tố niềm tin đối với nhãn hiệu đó rồi mới quyết định mua hay không mua. Ông Bùi Minh Dũng (thôn 2, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) tham gia nông hội sản xuất rau an toàn với cái tâm của người làm nông nghiệp, hoàn toàn tuân thủ thời gian cách ly sau phun thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Do chưa có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm làm ra có giá bán như giá rau ngoài chợ. Ông Dũng chia sẻ: “Đây là thiệt thòi cho người sản xuất, vì nếu có chứng nhận sẽ tạo thương hiệu rau an toàn, lúc đó giá trị sản phẩm được nâng lên, sản phẩm làm ra có cơ hội thâm nhập vào các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. Khi đầu ra ổn định, người nông dân sẽ có thu nhập tốt hơn hiện nay rất nhiều”.
 
Tăng cường kiểm tra chất lượng

Theo bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku, thực phẩm bẩn vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối và người ta sẵn sàng trả một cái giá cao hơn để được dùng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Đối với hàng hóa đầu vào, siêu thị luôn tuân thủ quy định và quy trình nhập hàng, nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đó là lý do vì sao hàng thực phẩm tươi sống trong siêu thị không đầy đủ như ngoài chợ, vì các đơn vị sản xuất thiếu các chứng nhận đầu vào nên siêu thị không nhập. “Nhờ có hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ nên hệ thống Siêu thị Co.op Mart chưa từng có tiền lệ bị trộn hàng rau củ quả. Để đảm bảo kiểm soát tốt hơn nữa chất lượng đầu vào hàng hóa, Co.op Mart tiếp tục duy trì áp dụng quy trình đánh giá chất lượng ở 3 khâu: tại vùng canh tác, tại kho và tại quầy kệ siêu thị. Riêng đối với khâu đánh giá chất lượng tại vùng canh tác, siêu thị lựa chọn những đơn vị cung ứng uy tín và đến khảo sát trực tiếp để đánh giá chất lượng sản phẩm từ nguồn gốc, đánh giá vùng trồng, điều kiện cơ sở sản xuất, sơ chế. Tại Siêu thị có trang bị các thiết bị chuyên dùng cho nhân viên kiểm soát chất lượng để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa đầu vào như 
kit test kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, nhãn mác…”-bà Thy thông tin.

Người tiêu dùng sẵn sàng trả một cái giá cao hơn để được dùng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Ảnh: Vũ Thảo
Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để được dùng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Ảnh: Vũ Thảo


Hàng năm, theo định kỳ Sở Nông nghiệp và PTNT đều tổ chức thẩm định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm sản trên địa bàn với các nội dung như về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực tham gia sản xuất, kinh doanh và quản lý an toàn thực phẩm... Trong đợt I-2022, Đoàn thẩm định của Sở đã tiến hành đánh giá 40 cơ sở do Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Trong đó, có 7 cơ sở chế biến cà phê bột, hạt rang; 2 cơ sở chế biến điều; 2 cơ sở chế biến mía đường; 10 cơ sở sơ chế, chế biến trái cây, chanh dây; 2 cơ sở sơ chế, chế biến tiêu, 1 cơ sở chế biến chè, 3 cơ sở xay xát, đóng gói lúa gạo; 4 cơ sở trồng, sơ chế, thu gom nấm, rau su su, ớt; 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống; 1 cơ sở chế biến hạt sachi; 7 cơ sở mua bán nông sản cà phê nhân, hồ tiêu. Kết quả thẩm định cho thấy, hầu hết các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đầy đủ thông tin, mẫu vật, hồ sơ, tài liệu có liên quan theo yêu cầu. Đoàn thẩm định đề xuất 13/40 cơ sở xếp loại A, 10/40 cơ sở xếp loại B, 17/40 cơ sở không thẩm định (do cơ sở ngừng, tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh…).

Cũng qua công tác giám sát dư lượng hóa chất trong nông sản thực phẩm năm 2021 cho thấy, trong 170 mẫu rau (tổng số chỉ tiêu phân tích: 340 chỉ tiêu), 100% đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này cho thấy, người dân đã nhận thức đầy đủ trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và việc đảm bảo thời gian cách ly từ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lần cuối đến khi thu hoạch nói riêng. Kết quả phân tích đối với 30 mẫu giò chả thì có 12 mẫu giò chả phát hiện hàn the (chiếm 40%), các mẫu giò chả phát hiện hàn the tăng so với các năm trước (năm 2020: 23,3%, năm 2019: 17,6%), đây là hóa chất không nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận người sản xuất chỉ đặt lợi ích kinh tế lên trên mà chưa chận thức đầy đủ về các tác hại của hàn the đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Đối với 85 mẫu thịt heo phân tích không phát hiện Sulfadimidin vượt quá giới hạn cho phép theo quy định tại Thông tư 24 của Bộ Y tế quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm. 6 mẫu thịt bò khô một nắng đáp ứng giới hạn cho phép về vi sinh vật trong thực phẩm. 13/13 mẫu cà phê không phát hiện Orchatoxin A.

 

VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm