Tháo gỡ "điểm nghẽn" cho Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) là một trong những khu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Những năm qua, hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh đã có những bước chuyển mình nhưng chưa thực sự như kỳ vọng. Để tạo đà phát triển cho khu kinh tế này thì cần có nhiều giải pháp để tháo gỡ những “điểm nghẽn” còn tồn tại.

Nỗ lực trong quản lý

Khu Kinh tế (KKT) Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được thành lập theo Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 21-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu trở thành khu đô thị biên giới, KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã trở thành khu vực được nhiều doanh nghiệp, đơn vị chọn làm điểm đến để đầu tư. Để có được niềm tin của các doanh nghiệp, ngoài cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh thì sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất của các đơn vị chức năng trong thời gian qua đã giúp hoạt động xuất-nhập khẩu, xuất-nhập cảnh diễn ra thuận lợi, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Campuchia về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Duy Lê
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Duy Lê

Trung tá Đỗ Như Kiên-Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-cho biết: “Trong những tháng đầu năm 2022, đơn vị tăng cường thực hiện chốt chặn dọc tuyến biên giới nhằm kiểm soát chặt chẽ việc xuất-nhập cảnh trái phép; tổ chức tuần tra, mật phục, kiểm soát bảo vệ biên giới, kết hợp phòng-chống dịch. Đồng thời, đơn vị cũng triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, tăng cường trinh sát phòng-chống tội phạm xuống địa bàn; tiếp tục duy trì 6 tổ, chốt chặn trên biên giới”.

Tại KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, hành khách xuất-nhập cảnh chủ yếu là công dân 2 nước Việt Nam và Campuchia. Theo thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, 6 tháng đầu năm 2022, phương tiện xuất-nhập cảnh qua khu vực này là 5.521 lượt (tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2021); hành khách xuất-nhập cảnh gần 14.600 lượt (tăng 689% so với cùng kỳ năm trước).

Ông Nguyễn Văn Chi-Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-cho hay: “6 tháng đầu năm cũng là thời điểm vào mùa vụ nên phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa qua lại nhiều hơn. Chi cục phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết các thủ tục cần thiết cho tổ chức, doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Nhờ vậy mà tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tính đến ngày 31-5 đạt 88,8 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 61,6 triệu USD; xuất khẩu đạt 27,2 triệu USD. Tổng số thu ngân sách nhà nước đạt 6,23 tỷ đồng, tăng 28%”.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để phát triển

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: “Khoảng 80% hàng hóa qua lại khu vực cửa khẩu là nông sản, chỉ có hạt điều là giá cao, còn đậu nành, mì giá khá thấp. Giá nông sản lại phụ thuộc vào thị trường nên không ổn định. Trong khi đó, khu cửa khẩu lại không có nhà máy chế biến nên doanh nghiệp phải vận chuyển nông sản đi các tỉnh khác. Do đó, chi phí đội lên nhiều nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà mua bán qua khu vực cửa khẩu. Vì vậy, cần tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại đây, không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương”.

 Người dân làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy
Người dân làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy


Trong khi đó, Trung tá Đỗ Như Kiên cho rằng: Thực tế đã có nhiều du khách đến đây, nhưng ngoài Quốc môn, họ không có thêm sự lựa chọn khác như mua sắm chẳng hạn. Phải làm sao để cửa khẩu sôi động lên mới thúc đẩy kinh tế phát triển thì cần có chính sách thu hút các hộ kinh doanh đến đầu tư tại đây.

Quan tâm đến một vấn đề khác, ông Rơ Châm Tiu-Chủ tịch UBND xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cho biết: “Ia Dom là một trong những xã giáp biên giới Campuchia. Hiện nay, nhu cầu đi lại để khám-chữa bệnh, thăm thân của người dân 2 bên biên giới rất nhiều, nhưng thủ tục qua lại có phần phức tạp. Để tạo điều kiện cho người dân, ngành chức năng cần nghiên cứu phương án cấp giấy giới thiệu để người dân 2 bên thuận lợi qua lại”.  

Về giải pháp thúc đẩy sự phát triển KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh-cho hay: “Để khu vực này tiếp tục phát triển hơn, thời gian tới, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp nhằm đảm bảo công tác quản lý; tăng cường thúc đẩy quan hệ với phía nước bạn, nhất là định kỳ tổ chức giao ban giữa Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) và Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Đẩy mạnh đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong chức trách của các đơn vị cũng như đề xuất UBND tỉnh nếu cần thiết. Bên cạnh đó, để hoàn thiện hạ tầng khu vực này, Ban sẽ triển khai Dự án cải tạo mở rộng hệ thống cấp nước và triển khai công tác duy tu bảo trì hạng mục Quốc môn, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Cùng với đó là lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án (đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất) tại khu trung tâm và khu công nghiệp của Khu KKT Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh”.

 

 HÀ DUY
 

 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.