Bỏ quỹ bình ổn liệu giá xăng dầu sẽ ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo luật Giá (sửa đổi), trong đó đưa ra nội dung bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.

Sẽ bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo luật Giá (sửa đổi), liên quan đến việc quản lý, điều tiết giá của nhà nước đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc Danh mục do Chính phủ quy định chi tiết. Riêng trong các trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

 

Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được bỏ sẽ tác động đến giá sản phẩm này hay không? Ảnh: Độc Lập
Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được bỏ sẽ tác động đến giá sản phẩm này hay không? Ảnh: Độc Lập


Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như luật hiện hành. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá như hiện hành. Hiện nay thực tế cũng chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì vậy quy định trong dự thảo được thông qua thì quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ bị hủy bỏ. Bên cạnh đó, dự thảo điều chỉnh biện pháp đăng ký giá sẽ được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về giá để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết. Đồng thời điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá nhằm giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế...

Theo chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh, cần phải có nghiên cứu về những tác động của quỹ bình ổn giá xăng dầu kể từ khi ra đời đến nay. Liệu tác động của quỹ này có thật sự giúp cho người dân trong nước mua được giá xăng rẻ hơn thế giới hay không? Nếu không có nghiên cứu cụ thể mà giờ nói bỏ thì người dân có quyền đặt vấn đề rằng có phải từ trước đến nay quỹ này đã không có tác dụng bình ổn giá xăng dầu? Hay nói cách khác, người dân đã không có lợi gì từ việc trích lập và thực hiện quỹ bình ổn giá trong suốt thời gian qua. Trong khi đó, bản thân ông cũng như nhiều chuyên gia khác đã nhiều lần đề xuất Chính phủ cần xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường để giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong tình hình hiện nay, nhằm giúp kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra, tạo điều kiện cho kinh tế hồi phục và phát triển. TS Bùi Trinh phân tích: Nếu giá xăng dầu tăng thì hoạt động xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng hưởng lợi. Nguồn thu này cũng cần được trích một phần để mang lại ổn định cuộc sống cho người dân. Trong khi đó thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng lên sản phẩm xăng dầu là bất hợp lý khi đây là hàng hóa thiết yếu cho cả nền kinh tế.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng, thuế bảo vệ môi trường

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, Bộ đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát. Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.


 

Bộ Tài chính dự kiến đề xuất giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Ảnh: Ngọc Dương
Bộ Tài chính dự kiến đề xuất giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Ảnh: Ngọc Dương



Bên cạnh đó, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của nước ta. Ngày 21.4, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%. Nếu giảm theo phương án dự kiến sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới.

Như vậy, chỉ riêng đối với các ý kiến đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu thì Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái mới.

 

Theo MAI PHƯƠNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm