Xuất khẩu nông sản Gia Lai kỳ vọng tăng trưởng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Gia Lai đạt hơn 48,4% kế hoạch, tăng 48% so cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, trái cây tăng mạnh, thị trường được mở rộng. Đây là tín hiệu tốt để kỳ vọng mức tăng trưởng khá trong năm nay.

Gia tăng số lượng hàng xuất khẩu

Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 4 tháng đầu năm đạt 320 triệu USD (đạt 48,8% kế hoạch, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước). Thời điểm này, các mặt hàng nông sản như cà phê, trái cây vào vụ thu hoạch nên khối lượng hàng hóa lớn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị. Trong đó, riêng mặt hàng chủ lực là cà phê đạt 120 ngàn tấn với kim ngạch 240 triệu USD (tăng 37,9% về lượng, tăng 65,5% về giá trị) .

Ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang-cho biết: “Mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 50-60 ngàn tấn cà phê nhân sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Từ đầu năm đến nay, Công ty xuất được 26 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch gần 53 triệu USD; dự kiến năm 2022, sản lượng hàng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 40 ngàn tấn. Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng cà phê của thị trường các nước phương Tây rất lớn, do đó sản lượng hàng xuất khẩu tiếp tục duy trì ổn định và có mức tăng trưởng. Cùng với đó, các nhà rang xay lớn đã tiếp cận các nhà xuất khẩu Việt Nam, đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng ra thị trường lớn, nhất là khối châu Âu”.

  Nhà máy chế biến hạt tiêu xuất khẩu của Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Nhà máy chế biến hạt tiêu xuất khẩu của Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo


Đối với xuất khẩu hạt tiêu cũng ghi nhận sự ổn định từ những tháng đầu năm. Ông Phạm Trung Thành-Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai-cho hay: Tình hình xuất khẩu đang diễn biến tốt, hoạt động vận tải đã thông suốt, nhưng giá cước vận tải vẫn ở mức cao. Trước đây, 1 tấn nguyên liệu nhập đến cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) chỉ khoảng 650 ngàn đồng, nhưng hiện nay tăng lên 900 ngàn đồng, đẩy chi phí cộng thêm vào giá thành sản xuất của Công ty. Bên cạnh đó, việc thu mua hạt tiêu trong nước vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến lượng hàng cung ứng cho nhà máy hoạt động. Để đảm bảo nguồn hàng cho chế biến, chúng tôi đang tập trung thu mua nguồn nguyên liệu tại một số địa bàn trọng điểm như: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa. “Từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu khoảng 1.000 tấn hồ tiêu với kim ngạch đạt khoảng 4 triệu USD. Thị trường được mở rộng ra nhiều châu lục, trong đó đã thâm nhập được thị trường châu Âu và có đơn hàng thường xuyên. Dự kiến năm 2022, Công ty sẽ xuất khẩu khoảng 3.000 tấn hồ tiêu với kim ngạch khoảng 12 triệu USD”-ông Thành cho biết thêm.

Hiện nay, khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gia tăng do các doanh nghiệp của tỉnh vẫn duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống. Việc duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu thuận lợi do tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chiếm trên 40%, hầu hết đều có cơ sở chế biến quy mô công nghiệp đang hoạt động, hệ thống kho chứa được đầu tư nâng cấp mở rộng hàng năm. Bước đầu các doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến. Nhờ đó, các sản phẩm xuất khẩu đã có mặt trên thị trường của gần 50 quốc gia. Đặc biệt một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh

Hiện nay, ngoài các nhà máy chế biến rau, quả của Công ty DOVECO Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac, Nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây tươi và trái cây cấp đông IQF của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến rau quả quy mô nhỏ với tổng công suất khoảng 80.000-100.000 tấn sản phẩm/năm và đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký khảo sát để đầu tư các dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau quả. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có thị trường EU.

Ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc DOVECO Gia Lai-cho biết: “Trong quý I, sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty đạt khoảng 6.700 tấn sản phẩm với kim ngạch đạt 17,7 triệu USD, trong đó thị trường EU chiếm 45% thị phần. Tiềm năng xuất khẩu rau quả sang thị trường này vẫn còn rất lớn, đặc biệt là chế biến các loại trái cây nhiệt đới có thế mạnh tại Tây Nguyên như: chanh dây, xoài, mãng cầu, bơ… Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến hàng xuất khẩu, Công ty đã mở rộng diện tích trồng và hợp tác liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá thu mua tốt”.

Theo ông Tĩnh, bên cạnh những thuận lợi đối với hoạt động xuất khẩu thì những khó khăn vẫn đang là rào cản cho sự tăng tốc của Công ty. Dịch Covid-19 khiến Công ty không thể tham gia các hội chợ quốc tế, các chương trình xúc tiến thương mại bị hạn chế, không thể gặp gỡ trực tiếp khách hàng đã có cũng như tìm kiếm khách hàng mới. Bên cạnh đó, khó khăn nhất là tình trạng thiếu vỏ container, cước vận tải biển tăng rất cao, tình trạng tắc nghẽn ở các cảng tại một số nước nhập khẩu đang diễn ra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu sản lượng hàng xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 50 ngàn tấn với kim ngạch tương ứng 95-110 triệu USD.

Trao đổi với P.V, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Trong những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu có những thuận lợi. Một số mặt hàng nông sản chủ lực có giá xuất khẩu bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, đặc biệt cà phê tăng hơn 20%. Ngoài ra, việc mở cửa lại thị trường trong điều kiện bình thường của các quốc gia khu vực châu Âu, châu Á đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu truyền thống với kim ngạch lớn như cà phê, hồ tiêu thì trái cây là một mặt hàng với những tiềm năng có thể bứt phá”.

 

VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.