Giảm 50% lệ phí trước bạ, kích cầu thị trường ô tô nội địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những ngày đầu tháng 12, số lượng giao dịch, thu nộp lệ phí trước bạ xe ô tô tại Chi cục Thuế TP. Pleiku tăng gấp 4 lần so với trước. Đây là tín hiệu tích cực khi người dân được hưởng lợi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022, mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

  Thời điểm cuối năm, doanh số bán xe tăng mạnh khi chính sách giảm lệ phí trước bạ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực. Ảnh: Sơn Ca
Thời điểm cuối năm, doanh số bán xe tăng mạnh khi chính sách giảm lệ phí trước bạ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực. Ảnh: Sơn Ca


Ngay khi chính sách này có hiệu lực, ông Khưu Phát Chương (152 Lê Văn Tám, TP. Pleiku) đến Chi cục Thuế Pleiku để làm thủ tục đóng lệ phí trước bạ. Ông Chương cho biết: “Khi nghe thông tin có chính sách giảm lệ phí trước bạ nên tôi quyết định đặt cọc mua xe ô tô. Tôi đã hoàn tất hợp đồng, đóng lệ phí và ra biển số. Chính sách này vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí, vừa kích cầu tiêu dùng nội địa”. Còn ông Tăng Văn Tuấn (45 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) thì bày tỏ: “Tôi thấy chính sách giảm lệ phí trước bạ rất hợp lý. Những người đã chuẩn bị tài chính, có kế hoạch mua xe ô tô sẽ có thêm động lực để mua sắm trong thời gian chính sách có hiệu lực”.

Có thể nói, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực sự là “cú hích” cho thị trường xe ô tô nội địa. Ông Lê Văn Trọng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ô tô Gia Lai (Hyundai) cho biết: “Năm 2021, doanh số toàn thị trường Gia Lai đều sụt giảm vì ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, từ tháng 10, sau khi có thông tin Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất Bộ Tài chính giảm lệ phí trước bạ, bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 thì doanh số bán hàng của Công ty tăng khoảng 30%. Đa phần là hợp đồng chờ để xuất hóa đơn, nộp lệ phí trước bạ trong tháng 12”.  

Trong những ngày đầu tháng 12, số lượng giao dịch và số thu lệ phí trước bạ tại Chi cục Thuế Pleiku tăng mạnh. Ảnh: Sơn Ca
Trong những ngày đầu tháng 12, số lượng giao dịch và số thu lệ phí trước bạ tại Chi cục Thuế TP. Pleiku tăng mạnh. Ảnh: Sơn Ca


Tương tự, đòn bẩy từ chính sách đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của nhãn hiệu xe ô tô Mazda. Anh Nguyễn Chí Hàng-Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH thương mại Ngọc Hoa (Mazda) nhận định: “Những tháng đầu năm, nhu cầu mua xe giảm khi người dân hạn chế di chuyển. Song, từ tháng 10 và 11, nhu cầu khách hàng mua xe tăng đột biến. Toàn bộ khách hàng đăng ký chờ ra xe, đóng lệ phí trước bạ vào tháng 12-2021 nên doanh số tăng vọt. Dự báo nhiều khả năng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian chính sách có hiệu lực”.

Thông tin từ cơ quan Thuế, tổng thu lệ phí trước bạ toàn tỉnh ước đạt khoảng 227 tỷ đồng, riêng địa bàn TP. Pleiku ước đạt 138 tỷ đồng/160 tỷ đồng dự toán giao. Ông Trần Văn Thành-Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku-nhận định: “Trong những ngày đầu tháng 12, lượng hồ sơ lệ phí trước bạ xe ô tô phải giải quyết tăng gấp 3-4 lần so với trước đó. Chỉ trong 6 ngày, số thu lệ phí trước bạ xe ô tô đạt hơn 6 tỷ đồng. Trước lượng giao dịch tăng đột biến, cơ quan Thuế đã chủ động tạo mọi điều kiện thuận lợi để giải quyết nhanh nhất có thể cho người nộp thuế được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước”. Theo phân tích của lãnh đạo Chi cục, thời gian chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ kéo dài 6 tháng sẽ làm giảm thu, ảnh hưởng đến khoản thu lệ phí trước bạ của cơ quan Thuế. Tuy nhiên, chính sách này đã kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

 

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.