Thêm nỗi lo vì gas tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ trong một thời gian ngắn, giá gas liên tục tăng, hiện dao động quanh mốc 420-482 ngàn đồng/bình 12 kg. Giá tăng khiến người tiêu dùng thêm nặng gánh chi tiêu.

Chưa hết ngao ngán vì giá xăng tăng gần 25 ngàn đồng/lít, từ đầu tháng 11-2021, người dân lại thêm lần nữa than phiền khi giá gas cũng leo thang. Cụ thể, từ ngày 1-11, giá gas được điều chỉnh tăng 17 ngàn đồng/bình 12 kg và đang dao động 420-482 ngàn đồng/bình 12 kg; 1,5-1,54 triệu đồng/bình 45 kg. Đại diện các cửa hàng kinh doanh gas cho biết: Giá gas nhập khẩu tăng cao dẫn đến thị trường trong nước cũng tăng theo. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã 9 lần tăng liên tiếp với mức tăng thêm 160 ngàn đồng/bình.

  Từ đầu năm đến nay, giá gas tăng 9 lần liên tiếp với mức tăng thêm 160 ngàn đồng/bình. Ảnh: Vũ Thảo
Từ đầu năm đến nay, giá gas tăng 9 lần liên tiếp với mức tăng thêm 160 ngàn đồng/bình. Ảnh: Vũ Thảo


Bà Trần Thị Lan-chủ quán bún trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) cho hay: Bình quân 1 tháng, quán của bà dùng khoảng 6 bình gas. Với giá gas tăng cao như hiện nay thì chi phí mỗi tháng tăng thêm vài trăm ngàn đồng. “Bây giờ, xăng dầu, gas tăng nên đẩy chi phí đầu vào khá cao trong khi vẫn phải bán giá ổn định để giữ chân khách hàng”-bà Lan nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Kiều Vân (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thì cho biết: Cứ 2 tháng thì gia đình chị dùng 1 bình gas. Tính ra mỗi tháng mất khoảng 250 ngàn đồng. “Tôi lo sẽ còn tăng giá nữa. Sẵn dịp bếp gas dùng lâu năm đã cũ nên tôi đổi sang dùng bếp điện cho đỡ tốn kém mà lại an toàn”-chị Vân chia sẻ.

Không riêng gì người tiêu dùng mà các đại lý gas cũng bị ảnh hưởng khi giá tăng. Lý giải điều này, bà Võ Thị Lưu-chủ cửa hàng gas Hải Lưu (40 Nguyễn Thiện Thuật, TP. Pleiku) cho biết: “Thời gian qua, mặt hàng gas gặp nhiều trở ngại khi các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng tạm ngưng hoạt động để chống dịch. Trong khi lượng tiêu thụ của các hộ gia đình tăng không đáng kể khiến sản lượng tiêu thụ của cửa hàng giảm. Bình quân mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ khoảng 100 bình gas”. Cũng theo bà Lưu, từ đầu năm đến nay, giá gas đã 9 lần điều chỉnh với mức tăng khá cao. Với việc giá gas liên tục tăng đã gây khó khăn cho người tiêu dùng cũng như các cơ sở kinh doanh gas do đầu ra khó khăn hơn. Sau khi trừ chi phí thì chỉ còn lãi khoảng 20 ngàn đồng/bình.

Cũng bày tỏ lo ngại khi giá tăng cao, ông Nguyễn Thanh Hải-cửa hàng gas Thanh Hải (153 Trần Phú, TP. Pleiku) cho hay: Hiện nay, sản lượng gas bán ra khá thấp so với thời điểm trước đây. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều hàng quán nghỉ bán hoặc có mở cửa nhưng cũng bán rất chậm khiến việc tiêu thụ gas giảm mạnh.

Tương tự, theo bà Lương Thị Hoa Phượng-chủ đại lý gas Hoàng Kim Ngân (24 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku), lượng gas bán ra giảm một nửa so với trước đây. Nguyên nhân là do các bếp ăn tập thể ở trường học đã đóng cửa, nhà hàng thì ế ẩm. Cùng với đó, người dân chuyển sang dùng bếp điện rất nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh-cho hay: Từ đầu năm đến nay, giá gas trên thị trường tăng khá mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá bán ra tăng theo. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chi phí vận chuyển tăng. Nhằm tránh trường hợp lợi dụng tình hình này để tăng giá bất hợp lý, Cục Quản lý Thị trường tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng gas để đảm bảo giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.