Thận trọng với các loại bánh trung thu trôi nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quản lý thị trường gần đây liên tục kiểm tra phát hiện nhiều bánh trung thu nhập lậu, không nhãn mác khi Tết Trung thu sắp đến.

Bánh trung thu không rõ xuất xứ được phát hiện tại Tây Ninh. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường
Bánh trung thu không rõ xuất xứ được phát hiện tại Tây Ninh. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường


Ngày 9.9, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Thanh Hà về hành vi kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, qua kiểm tra tại cơ sở, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện 1.524 cái bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua quá trình xác minh, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cũng như tính hợp pháp của số bánh trung thu nói trên. Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản hành chính và ban hành quyết định xử phạt số tiền 12 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật.

Trước đó vào ngày 8.9, Đội Quản lý thị trường  số 3, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phát hiện và tạm giữ 139 kg bánh trung thu được đóng gói trong 59 thùng với tổng cộng trên 3.000 bánh trung thu các loại đang được vận chuyển tại thành phố Pleiku. Toàn bộ số hàng hóa trên là bánh trung thu có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa...

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), trong bối cảnh Tết Trung thu đang đến gần và dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bánh trung thu được rao bán trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư với nhiều mức giá khác nhau, đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Tuy nhiên, việc mua - bán thực phẩm trực tuyến tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm...

Do đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng, cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản; sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng; sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Hoặc cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng; không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng...

Theo An Yến (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.