Xuất khẩu rau quả sang Châu Âu bứt phá tại nhiều thị trường mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Châu Âu trong 7 tháng năm 2021 đạt 104,74 triệu USD, tăng 3,4% so với 7 tháng năm 2020.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU tăng mạnh dù dịch COVID-19 căng thẳng. Ảnh: Vũ Long
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU tăng mạnh dù dịch COVID-19 căng thẳng. Ảnh: Vũ Long


Rau quả Việt Nam xâm nhập được nhiều thị trường mới tại Châu Âu

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), bất chấp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Châu Âu (EU) trong 7 tháng năm 2021 tăng tăng 3,4% so với 7 tháng đầu năm 2020, đạt 104,74 triệu USD.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 6.2021 đạt 19,58 triệu USD, tăng 29% so với tháng 6.2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU đạt 93,64 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tỉ trọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU chiếm 4,6% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay.

Trao đổi thông tin về xuất khẩu rau quả trong hơn nửa đầu năm 2021, TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhấn mạnh: Lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của Việt Nam sang EU về 0% ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường EU.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang 12/25 thị trường thành viên EU tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả sang một số thị trường tăng mạnh, như: Pháp tăng 64,3%; Ba Lan tăng 246,8%; Tây Ban Nha tăng 19,8%; Phần Lan tăng 3.201,8%; Đan Mạch tăng 68,9%; Cộng hòa Séc tăng 243,8%; Latvia tăng 129,4%; Ai Len tăng 323,5%; Áo tăng 83,1%... Tuy nhiên, do cạnh tranh, xuất khẩu rau quả vào thị trường Đức và Hà Lan đang bị giảm sút.

“Doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đã mở rộng khai thác các thị trường như Ba Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, CH Séc, Latvia, Hungary, Ai Len nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu hàng rau quả vào EU. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vào các thị trường trên còn thấp, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng cao là tín hiệu đáng mừng đối với ngành hàng rau quả trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường Hà Lan, Đức giảm do mức độ cạnh tranh lớn” –TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Tạo đủ nguồn cung để tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại

Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như: Chanh leo và sản phẩm từ chanh leo, thanh long và sản phẩm chế biến từ thanh long, xoài và sản phẩm chế biến từ xoài, chanh và nước chanh, dừa và sản phẩm chế biến từ dừa, dứa và sản phẩm chế biến từ dứa, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, chuối, ngô, sả, đậu bắp, khoai lang, khoai môn, ớt, nghệ sang thị trường tiềm năng này.

 

Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Pháp được bày bán tại các siêu thị. Ảnh: Thương vụ VN tại Pháp
Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Pháp được bày bán tại các siêu thị. Ảnh: Thương vụ VN tại Pháp


Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù thị phần mặt hàng rau quả của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng trong những tháng đầu năm 2021, nhưng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với dung lượng thị trường nhập khẩu cũng như tiềm năng phát triển của ngành. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến quá trình vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu container rỗng kéo dài.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ: Thị trường EU rất tiềm năng, EVFTA tạo đà cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng ngành nông nghiệp chưa tạo được đủ nguồn cung lớn theo tiêu chuẩn xuất khẩu của EU. "Sản lượng rau quả của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GlobalGap vẫn còn thấp nên không đủ hàng cho doanh nghiệp cung ứng cho thị trường EU" - báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nêu rõ.

 


Cập nhật thông tin mới nhất từ Công ty Anh Drewry Shipping Consultants cho thấy, giá cước vận chuyển từ Châu Á đến EU tăng lên mức cao kỷ lục: Đến đầu tháng 7.2021, cước vận chuyển container 40 feet tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

https://laodong.vn/kinh-te/xuat-khau-rau-qua-sang-chau-au-but-pha-tai-nhieu-thi-truong-moi-944765.ldo


Theo VŨ LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm