Gia Lai tăng cường kiểm soát giá cả hàng thiết yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần ổn định thị trường, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đồng loạt ra quân kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Nhiều loại hàng tăng giá

Trong 2 tuần qua, giá các loại rau củ quả trên thị trường tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước đó. Tại các chợ trên địa bàn TP. Pleiku, giá bầu, bí đỏ, bí đao dao động 30-35 ngàn đồng/kg; mướp, cà chua, bắp sú, đậu cô ve 25-35 ngàn đồng/kg... Riêng các loại rau ăn lá có mức tăng không đáng kể. Bà Trịnh Thị Lan-tiểu thương tại chợ Hoa Lư-cho biết: “Nguyên nhân rau củ quả tăng giá mạnh là do các tổ chức, cá nhân thu gom để chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Mặt khác, do mưa liên tục nên các nhà vườn không duy trì được vườn rau xanh”.

Lực lượng QLTT thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu để tránh tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến. Ảnh: Vũ Thảo
Lực lượng QLTT thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu để tránh tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến. Ảnh: Vũ Thảo


Theo nhận định của các tiểu thương, giá rau củ quả tăng cao do nguồn cung ít, lượng hàng tại các đầu mối chuyển đến không nhiều. Hiện tại, các vựa rau lớn trên địa bàn đang tiếp tục dồn hàng để xuất bán cho những đầu mối ở các tỉnh khu vực miền Trung, TP. Hồ Chí Minh. Theo dự báo, giá rau củ quả sẽ tiếp tục ở mức cao.

Cùng với rau củ quả, giá trứng gia cầm cũng tăng hơn 30%. Cụ thể, trứng gà ta tăng từ 3.500 đồng lên 4.500 đồng/quả, trứng gà công nghiệp từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng/quả. Tương tự, dầu ăn cũng tăng khoảng 28%. Các mặt hàng khác như: đường, bột ngọt, gạo cũng đã nhích lên so với trước.

Ông Nguyễn Đăng Vạn-chủ cửa hàng Lê Vy (đường Lê Lợi, TP. Pleiku) cho hay: “Trước tình hình dịch bệnh, một số người mua tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Những ngày qua, sức mua các mặt hàng thiết yếu như: mì tôm, bún phở, gạo, sữa... tăng mạnh. Cửa hàng vẫn nhập hàng về đều. Tuy nhiên, một số nguồn hàng bị ách tắc trong khâu vận chuyển. Mì tôm là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh nhưng giá vẫn ổn định, chỉ có một số loại như dầu ăn, đường, bột ngọt có tăng lên”.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh-cho biết: Thực hiện Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 24-7-2021 của UBND tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập đoàn kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh tạp hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên địa bàn quản lý; bám sát cơ sở để nắm chắc giá cả thị trường, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa, tăng giá bất lợp lý. Trong trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công bố trên phương tiện truyền thông.

Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Lực lượng QLTT kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Hiện nay, ngoài nguồn cung lương thực, thực phẩm sản xuất được trên địa bàn tỉnh, Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại chủ chốt chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cần thiết, bố trí hệ thống kho dự trữ, đáp ứng ngay khi có yêu cầu, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Dự kiến tổng trị giá hàng hóa dự trữ trong thời gian 2 tháng khoảng 10.000 tỷ đồng với 65 doanh nghiệp đầu mối và 115 doanh nghiệp thực hiện phân phối.

Hiện nay, các đội QLTT đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, các siêu thị, chợ. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc niêm yết và bán đúng giá. Cùng với đó, các đội QLTT luôn duy trì công tác trực, bố trí lực lượng kể cả những ngày nghỉ, kiểm tra, kiểm soát bình ổn giá cả, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; vật tư y tế phục vụ phòng-chống dịch bệnh.

Theo ông Hà, bên cạnh công tác kiểm tra, lực lượng QLTT cũng tích cực tuyên truyền để người dân yên tâm vì nguồn hàng cung ứng trên thị trường luôn đảm bảo, không có tình trạng khan hiếm. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền giúp người dân hiểu, không hoang mang và tránh tập trung đông người nơi mua bán gây ảnh hưởng đến công tác phòng-chống dịch; công bố đường dây nóng để người dân phản ánh kịp thời khi phát hiện hành vi vi phạm. “Cục QLTT cũng đã vận động các cơ sở kinh doanh tiếp tục ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; bán hàng có hóa đơn, chứng từ; không đầu cơ, găm hàng, đảm bảo quyền lợi của người mua đúng theo quy định của pháp luật”-ông Hà thông tin thêm.

 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.