Gia Lai đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hoá ra thị trường khi thực hiện Chỉ thị 16

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước giờ TP. Pleiku áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ người dân đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tại các chợ dân sinh, cửa hàng và siêu thị.
       

Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Trước khi Pleiku áp dụng Chỉ thị 16 thì lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm rất đông, khoảng 80-90% xe của khách tập trung mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như mì tôm, phở, gạo, các loại gia vị, hàng thực phẩm tươi sống. Trong ngày 28-8, lượng hàng thiết yếu bán ra tăng gấp đôi so ngày thường với doanh số bán ra khoảng 2 tỷ đồng. Riêng đơn hàng online tăng gấp 3 so ngày thường, với khoảng 300 đơn.

Người dân xếp hàng dài chờ đến lượt vào khu mua sắm tự chọn của Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Vũ Thảo
Người dân xếp hàng chờ đến lượt vào khu mua sắm tự chọn của Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Vũ Thảo


“Để tránh việc khách dồn vào siêu thị cùng một lúc, Siêu thị đã phân luồng ra vào và giới hạn lượng khách vào khu mua sắm tự chọn bằng cách xếp theo thứ tự; đồng thời, khuyến cáo người dân bình tĩnh, chỉ nên mua số lượng vừa phải, đủ dùng, vì hàng hóa ở siêu thị lúc nào cũng đầy đủ. Co.op Mart Pleiku đã lên kế hoạch đặt hàng và dự trữ nhóm hàng thiết yếu khoảng gần 20 tỷ đồng. Đồng thời, siêu thị có phương án đưa hàng về kịp thời, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ”-bà Thy cho biết thêm.

Ghi nhận sức mua tăng mạnh các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm công nghệ cũng diễn ra ở nhiều cửa hàng tạp hóa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà-shop Bích Hương (đường Cách Mạng Tháng Tám) cho biết: “Hôm nay, lượng khách mua tăng, nhất là buổi trưa và tối. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, cửa hàng đã duy trì mức giá và lượng hàng bình ổn nhất”.

Đa phần người dân mua sắm hàng nhu yếu phẩm là chính. Ảnh: Vũ Thảo
Đa phần người dân mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm. Ảnh: Vũ Thảo


Có thể thấy, thay vì mỗi lần mua một ít, thì nay, người dân muốn mua dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm đủ dùng trong khoảng thời gian 1-2 tuần. Bà Nguyễn Trần Thảo Nhi (phường Phù Đổng) chia sẻ: “Vì không muốn đi ra đường nhiều trong khi thành phố thực hiện giãn cách nên tôi đi siêu thị hôm nay là để mua đủ hàng dùng trong vòng 2 tuần, chứ không phải sợ hết hàng, thiếu hàng gì”.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Hiện nay, người dân bắt đầu mua hàng hóa tích trữ, do đó sức mua tăng lên đáng kể. Sở Công thương sẽ rà soát và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông công bố các địa điểm cung ứng hàng hóa, hay còn gọi là bản đồ cung ứng hàng hóa. Ví dụ, sẽ công bố từng địa điểm nào mua gạo, mua vật tư y tế, hàng thiết yếu… Cùng với đó, sẽ kích hoạt các mô hình quản lý chợ an toàn trong vùng dịch ở các Ban Quản lý chợ. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương kích hoạt mô hình đi chợ giúp dân trong trường hợp các gia đình có nhu cầu; phối hợp với các đơn vị bưu chính để thực hiện công việc shipper thay cho hình thức shipper truyền thống.

Nhiều người ngại đi siêu thị thời điểm này đã chọn cách đặt hàng qua kênh online. Ảnh: Vũ Thảo
Hiện nay, ngành Công thương đã kích hoạt các biện pháp phòng-chống dịch lên mức cao nhất, xây dựng kế hoạch dự trữ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Ảnh: Vũ Thảo


Theo ông Binh, Sở Công thương đã kích hoạt các biện pháp phòng-chống dịch lên mức cao nhất, xây dựng kế hoạch dự trữ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây lũng đoạn thị trường. Với sự chủ động ứng phó với tình hình dịch, ngành Công thương đang thực hiện phương châm 4 tại chỗ “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hàng hóa tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ”.

Dự kiến, tổng trị giá hàng hóa dự trữ trong thời gian 2 tháng khoảng gần 10.000 tỷ đồng với 65 doanh nghiệp đầu mối và 115 doanh nghiệp phân phối tham gia. Theo đó, sẽ đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như: 1.200 tấn gạo, 94,6 tấn gia súc, 105 tấn gia cầm, 10,6 tấn muối ăn, 42 ngàn thùng mì tôm, 28 tấn lương khô, 63 ngàn lít dầu ăn, 15 tấn bột ngọt, 110 ngàn lít nước mắm, 25 ngàn thùng nước đóng chai, 200 tấn xăng dầu, 50 ngàn bình gas và một số hàng thiết yếu khác…

Lượng người đổ về các siêu thị trên địa bàn rất đông trước ngày TP. Pleiku thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: Vũ Thảo
Lượng người đổ về các siêu thị rất đông trước giờ TP. Pleiku thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Ảnh: Vũ Thảo


“Lượng hàng hóa dự trữ rất lớn như vậy, người dân không nên đổ xô đi mua tích trữ quá nhiều. Tỉnh cũng như ngành Công thương đã có kế hoạch chủ động các phương án cung ứng hàng hóa trên địa bàn nhằm kịp thời ứng phó khi tình hình dịch có những diễn biến phức tạp”-ông Binh khẳng định.
 

VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.