Giá xăng dầu tăng mạnh: Doanh nghiệp gồng mình, người dân khốn khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng tổng cộng gần 5.000 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng mạnh cộng với dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khó

Cứ 2-3 ngày, bà Huỳnh Thị Cúc (tổ 1, phường Hội Phú, TP. Pleiku) lại đến cây xăng để đổ đầy bình cho xe máy chuyên dụng chở gạo của mình. Thay vì chỉ mất 70 ngàn đồng là đổ đầy bình xăng thì nay bà phải bỏ ra đến 90 ngàn đồng. Theo bà Cúc, mỗi lần xăng tăng giá thấy không đáng kể nhưng tính từ đầu năm đến nay đã tăng đến 5.000 đồng/lít. “Xăng tăng giá khiến chi phí giao hàng cho khách bị đội lên. Tuy nhiên, mình không thể vin vào cớ này để tăng giá gạo. Do đó, lợi nhuận phần nào bị ảnh hưởng. Thời điểm dịch bệnh làm ăn khó khăn mà giá xăng dầu tăng sẽ đội chi phí đầu vào và lo ngại nhất là giá cả hàng hóa trên thị trường cũng sẽ tăng theo”-bà Cúc phân tích.

Kể từ 15 giờ ngày 12-7-2021, trên địa bàn tỉnh, giá xăng RON 95-III là 22.210 đồng/lít, RON-IV là 22.310 đồng/lít, dầu Diezen 0,05 S-II là 16.860 đồng/lít. Ảnh: Hà Duy
Kể từ 15 giờ ngày 12-7-2021, trên địa bàn tỉnh, giá xăng RON 95-III là 22.210 đồng/lít, RON-IV là 22.310 đồng/lít, dầu Diezen 0,05 S-II là 16.860 đồng/lít. Ảnh: Hà Duy


Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, xăng dầu tăng giá ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khác như: vận tải hàng hóa, hành khách, hoạt động chuyển phát… Anh Huỳnh Văn Tân làm nghề giao hàng cho biết: Ngày trước, mỗi đơn hàng anh được khoảng 10-12 ngàn đồng. Bây giờ, giá xăng tăng mạnh thì sau khi trừ chi phí nhiên liệu chỉ còn khoảng 8 ngàn đồng. “Do tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu nên việc mua sắm cũng có phần giảm lại. Chính vì vậy, nghề shipper cũng bị ảnh hưởng nhiều”-anh Tân nói.

Một đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu là các doanh nghiệp kinh doanh taxi. Anh Bùi Xuân Lịch-tài xế taxi Mai Linh-cho biết: Khoảng nửa năm nay, cánh tài xế taxi rất chật vật vì thu nhập giảm. Trước đây, mỗi tháng, anh thu được khoảng 20 triệu đồng. Sau khi nộp về công ty và trừ chi phí xăng xe, anh còn lại khoảng 6-7 triệu đồng. Trong khi đó, những tháng đầu năm nay, đặc biệt là khi xảy ra dịch Covid-19, có ngày chỉ chạy được 200-300 ngàn đồng. Để tiết giảm chi phí nhiên liệu, khi trả khách ở đâu, anh thường kiếm chỗ đậu đỗ luôn ở đó để chờ khách mới, hạn chế chạy xe lòng vòng tốn nhiên liệu. “Tài xế taxi sống được là nhờ khách vãng lai, khách đi đến bến xe, sân bay, quán xá, nhưng giờ những nguồn khách này không có thì coi như mất hết nguồn thu. Đã vậy, mấy ngày qua, giá xăng tăng càng đẩy chi phí tăng thêm, nguồn thu sụt giảm”-anh Lịch nói trong lo lắng.

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Mai Linh Gia Lai-chia sẻ: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cộng với giá xăng dầu tăng liên tục từ đầu năm đến nay đã tác động rất lớn đến doanh thu của Công ty. Đời sống người lao động cũng gặp khó khăn. Trước tình hình này, Công ty đã áp dụng phương án điều chỉnh mức ăn chia 50:50 nhằm hỗ trợ tài xế. Đồng thời, Công ty cũng hỗ trợ tiền bến bãi và nhiều chi phí khác để san sẻ bớt khó khăn cho tài xế trong giai đoạn này. “Hiện nay, taxi Mai Linh có trên 200 xe, giá mở cửa được áp dụng là 12 ngàn đồng/700 m. Mặc dù giá xăng tăng mạnh nhưng Công ty vẫn giữ nguyên giá cước cho khách hàng”-bà Ánh thông tin thêm.

Cần tăng cường giám sát thị trường

Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên-cho biết: “Căn cứ Công văn số 4104/BCT-TTTN ngày 12-7-2021 của Bộ Công thương về điều hành kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có Quyết định số 402/PLX-QĐ-TGĐ về việc điều chỉnh giá xăng dầu, áp dụng kể từ 15 giờ ngày 12-7-2021 trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 867 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 850 đồng/lít. Giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.610 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.783 đồng/lít. Riêng giá áp dụng cho vùng II: xăng RON 95-III là 22.210 đồng/lít, RON-IV là 22.310 đồng/lít; dầu diesel 0,05S-II 16.860 đồng/lít… Lần này, Liên bộ Tài chính-Công thương không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, trích quỹ cho dầu diesel 200 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut 300 đồng/kg. Đồng thời, Liên bộ chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.300 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 350 đồng/lít”.

Giá xăng dầu tăng đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Ảnh: Đức Thụy
Giá xăng dầu tăng đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Ảnh: Đức Thụy


Đối với các đơn vị vận tải, xăng dầu liên tiếp tăng giá trong thời gian ngắn đã làm tăng chi phí hoạt động. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm, đời sống người lao động gặp khó khăn. Theo ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên khoảng 85% đầu xe khách đã ngưng chạy và lượng xe vận tải hàng hóa cũng giảm đáng kể. “Do đó, các doanh nghiệp còn hoạt động đang bị tác động kép bởi dịch bệnh và giá xăng dầu tăng. Xăng dầu chiếm 35-40% giá thành vận tải. Do đó, khi giá tăng đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và điều lo ngại nhất có thể sẽ tác động đến giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường và không ai khác chính người tiêu dùng sẽ là đối tượng cuối cùng phải gánh chịu. Trước sức ép về giá, các doanh nghiệp đang cố gồng để vượt qua khó khăn”-ông Hải nói.
Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên nhận định: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của thế giới tiếp tục phục hồi sau thời gian chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Vì vậy, nhu cầu sử dụng xăng dầu trên thế giới tăng mạnh đã tác động đến giá xăng dầu thời gian vừa qua. Trong khi đó, chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thế giới; giá xăng dầu thế giới tăng thì thị trường trong nước cũng phải tăng. Việc tăng giá lần này cộng với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân. Ngay cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Riêng tại Gia Lai, khi xảy ra dịch Covid-19, 8 cửa hàng xăng dầu tại các địa phương như: Ayun Pa, Ia Pa, Krông Pa... bị phong tỏa. Các đợt tiếp theo cũng vậy, có rất nhiều cửa hàng, trong đó có những cửa hàng lớn dọc các tuyến quốc lộ bị phong tỏa khiến doanh thu của đơn vị giảm mạnh”.

Thông thường, giá xăng dầu điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, người dân và doanh nghiệp rất cần ngành chức năng tăng cường giám sát, nhất là khi người dân và doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực nhiều mặt như hiện nay.

 

 VŨ THẢO-HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.