Nghịch lý điện mặt trời: Bùng phát dự án đầu tư, hay đầu cơ trục lợi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo Lao Động đã có nhiều bài viết đề cập đến sự bùng phát các dự án điện mặt trời bắt đầu từ sau thời điểm Quyết định 11/2017/QĐ-TTg được ban hành đưa ra nhiều ưu đãi về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Một dự án điện mặt trời tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Một dự án điện mặt trời tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung


Đầu tư để bán, chuyển nhượng

Trong đó, các ưu đãi đối với nhà đầu tư dự án điện mặt trời tập trung ở giá thuê đất, vốn và thuế.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ ngày 1.6.2017-30.6.2019, giá mua điện mặt trời được quy định tại điểm mua là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 Uscents/kWh, theo tỉ giá 22.316 đồng/USD, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Sau đó, ngày 4.6.2020, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 22.5.2020 đã quy định giá mua điện mặt trời được điều chỉnh giảm xuống so với trước đó từ 6,9-21,3% tùy theo từng loại hình. Tuy nhiên, mức giá đã được điều chỉnh giảm vẫn được cho là hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Chính vì thế trong thời gian qua, các dự án điện mặt trời bùng phát về số lượng, cả ở số dự án được cấp phép và được đầu tư bài bản, qui mô lớn, cho đến số lượng hộ dân đầu tư điện mặt trời áp mái. Và đặc biệt, sự phức tạp và sôi động diễn ra ở các dự án chưa đầy đủ thủ tục đầu tư, các dự án điện mặt trời “núp bóng” các trang trại nông nghiệp.

Những khái niệm như “lướt sóng”, “chốt đơn” giờ đây được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực đầu tư điện mặt trời. Không ít chủ đầu tư các dự án điện mặt trời nhỏ tại các địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên… triển khai một dự án hoàn thành chỉ trong vòng 3-4 tháng là đưa vào kinh doanh, hay nói chính xác hơn là để chuyển nhượng, bán lại cho người khác.

Một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh điện mặt trời hiện có hơn 10 dự án đầu tư gần đây trong báo cáo kết quả kinh doanh cũng thể hiện cho thấy chuyển nhượng gần hết cổ phần tại 2 dự án điện mặt trời cho các đối tác nước ngoài.

Bình thường hay không bình thường?

Trong một thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương gần đây, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho hay, tính đến hết ngày 11.5.2020, có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại.

Cũng theo vị cục trưởng, một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore...

Luật pháp hiện hành không cấm chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án điện mặt trời, điện gió cho nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, việc chuyển nhượng đó được cho là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, với rất nhiều dự án điện mặt trời nhỏ còn chưa đầy đủ các thủ tục đầu tư, thậm chí không có giấy phép đầu tư, nhưng lại được triển khai rất nhanh, thiếu bài bản nhằm “lướt sóng”, “gặt lúa non”, thì việc “chốt đơn” sang nhượng diễn ra phức tạp thiếu kiểm soát chính là sự cảnh báo có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đối với qui hoạch đất đai, đầu tư kinh doanh trái phép…

Tương tự như hoạt động mua bán đất đai thời gian qua rộ lên tại một số địa phương, tạo ra các cơ sốt ảo, phá vỡ quy hoạch, phân lô trái phép để bán nền… đợt bùng phát các dự án điện mặt trời lớn, nhỏ hiện nay cho thấy, những dấu hiệu đầu cơ trục lợi ngắn hạn hơn là đầu tư dài hạn và bền vững.

https://laodong.vn/kinh-te/nghich-ly-dien-mat-troi-bung-phat-du-an-dau-tu-hay-dau-co-truc-loi-923121.ldo
 

Theo Thế Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm