Gia Lai: Giá vật liệu xây dựng "leo thang"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá vật liệu xây dựng và hàng nội-ngoại thất ở Gia Lai liên tục tăng thời gian gần đây. Do giá tăng quá mạnh nên việc mua bán trên thị trường trở nên chậm lại.

   Nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng thô và vật liệu hoàn thiện đã tăng giá. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng thô và vật liệu hoàn thiện đã tăng giá. Ảnh: Vũ Thảo

Liên tục từ giữa tháng 4 đến nay, giá sắt thép, cát, đá, gạch, xi măng và vật tư trang trí nội-ngoại thất tăng 7-40%. Cụ thể, sắt xây dựng tăng từ 12,5 ngàn đồng/kg lên 16,5 ngàn đồng/kg; đá các loại tăng 60-70 ngàn đồng/m3; cát từ 200 ngàn đồng/m3 lên 220 ngàn đồng/m3; gạch, đá ốp lát tăng khoảng 5 ngàn đồng/m2; hàng ống nhựa tăng 7-10%, hàng nội thất nhà tắm như: lavabo, bồn cầu tăng 200-500 ngàn đồng/món…

Bà Trần Thị Nguyệt Dung-Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thế Dân (TP. Pleiku) cho biết: “Ngoài vật liệu xây dựng thì các hãng sơn nước cũng đã bắt đầu tăng giá thêm 18%. Trước đó, hầu hết các loại vật liệu hoàn thiện được nhà sản xuất báo tăng 3%, sau thì nhích dần lên, tới giờ loại hàng nào cũng có mức tăng cao. Giá tăng quá mạnh khiến việc mua bán gặp nhiều khó khăn, doanh số bán hàng sụt giảm đáng kể”.

Với nhiều cửa hàng, việc liên tục báo giá tăng sẽ rất ngại với khách hàng, nhưng buộc phải điều chỉnh. Bà Nguyễn Thị Mai Sen-chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thanh Phong (thôn 2, xã Trà Đà, TP. Pleiku) cho hay: “Giá đang trên đà tăng ở hầu hết các loại vật liệu và vật tư xây dựng. Cứ vài ngày nhà phân phối báo tăng thì cửa hàng lại báo cho khách mức giá mới. Năm nay, nhu cầu xây dựng trong dân có tăng hơn năm trước, nhưng giá biến động mạnh dẫn đến việc kinh doanh gặp khó khăn do có sự cạnh tranh rất lớn”.

  Thiết bị vệ sinh được các nhà sản xuất báo giá tăng từ ngày 1-5. Ảnh: Vũ Thảo
Thiết bị vệ sinh được các nhà sản xuất báo giá tăng từ ngày 1-5. Ảnh: Vũ Thảo


Theo lý giải của giới kinh doanh, vật liệu nội-ngoại thất đa phần nhập từ châu Âu về, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nguồn cung giảm. Còn với thép tăng vọt 35-40% là do giá nguyên liệu trên thị trường toàn cầu tăng.

Anh Nguyễn Văn Khánh-một chủ thầu xây dựng-cho biết: “Giá sắt thép tăng cao nên chúng tôi phải tính sát giá với chủ nhà để thuận mua vừa bán. Khi lấy sắt về gia công một số hạng mục tính ra không còn lãi, thậm chí trừ nhân công lại bị lỗ. Đơn cử như làm chân bồn nước, ngày trước chỉ có 1 triệu đồng/m, nay nhận với giá đó sẽ lỗ; hay cửa nhôm, cuối năm ngoái chỉ có 1,2 triệu đồng/m2 thì nay phải nhận đến 1,5 triệu đồng/m2 mới mong có lãi”.

Giá tăng khiến việc mua bán không thuận lợi, còn người xây nhà thì lo lắng. Gia đình chị Hoàng Thị Hồng Nhung (tổ 2, phường Hoa Lư) lên dự toán xây nhà từ cuối năm ngoái và khởi công vào tháng 3 Âm lịch. Do nhà thầu báo tăng từ 4,5 triệu đồng/m2 lên 5,5 triệu đồng/m2 nên gia đình chị phải hoãn xây nhà.

“Vì nếu xây nhà vào thời điểm này thì chi phí sẽ tăng rất lớn. Hoặc giả chỉ khoán nhân công thì giá vật liệu, vật tư điện, nước biến động liên tục theo chiều hướng tăng như thế này thì chi phí cũng đội lên. Thôi thì ráng chờ thêm xem sao”-chị Nhung cho biết.

Trong khi đó, dù giá vật liệu tăng mạnh thì anh Phạm Văn Trung (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) vẫn quyết định xây nhà. Anh cho hay: “Gia đình anh bắt đầu đổ vật liệu thô cách đây nửa tháng để xây mới nhà ở, lúc đó giá nhiều loại đã nhích lên. Vừa rồi, một số cửa hàng bán sắt thép, cũng như vật liệu thô, ống nước báo giá lại với mức tăng rất mạnh. Đó là chưa kể hàng vật liệu nội thất đã tăng từ đầu tháng 5. Với đà tăng này, nhà của tôi được nhà thầu tính toán chi phí xây dựng sẽ đội thêm khoảng 200 triệu đồng so với dự toán ban đầu là 1,5 tỷ đồng”.

Theo anh Trung, giá cả bị đội lên là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, việc xây nhà là kế hoạch đã có trước đó nên đành chấp nhận mất thêm một khoản tiền chênh lệch bởi giá vật liệu, vật tư xây dựng tăng thêm.
 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm