Truyền tải điện Gia Lai: Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao năng suất lao động, Truyền tải điện Gia Lai (Công ty Truyền tải điện 3) đã tập trung đẩy mạnh số hóa và tiến tới chuyển đổi số, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

 Truyền tải điện Gia Lai tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ảnh: Lê Gia
Truyền tải điện Gia Lai tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ảnh: Lê Gia

Truyền tải điện (TTĐ) Gia Lai đang quản lý vận hành 2 trạm biến áp 500 kV với tổng dung lượng 2.625 MVA, 16 ngăn xuất tuyến đường dây 500 kV, 220 kV với tổng chiều dài hơn 758 km (500 kV là 327,85 km; 220 kV là 430,164 km), trong đó có 2 ngăn xuất tuyến đường dây 220 kV nối sang nước bạn Lào.

Bám sát chủ đề năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về “Chuyển đổi số trong Tổng Công ty TTĐ quốc gia”, TTĐ Gia Lai đã triển khai đến cán bộ, công nhân viên trong toàn đơn vị nắm vững chủ trương, định hướng, nhiệm vụ về lộ trình chuyển đổi số.

Ông Đặng Đức Lý-Giám đốc TTĐ Gia Lai-nhận định: “Quá trình số hóa để chuẩn bị tiến tới chuyển đổi số của đơn vị bước đầu gặp không ít khó khăn, bởi người lao động quen với những công việc trong các ca trực trạm, trên hành lang tuyến, trèo cột, đi dây; cán bộ, chuyên viên văn phòng quen với các văn bản, tài liệu giấy… Ngoài ra, nhiều cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo về công nghệ thông tin. Trang-thiết bị công nghệ còn thiếu, chưa đồng bộ”.

Thời gian gần đây, TTĐ Gia Lai đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Hiện đơn vị đã số hóa các quy trình, quy phạm, các tài liệu kỹ thuật liên quan đến quản lý vận hành Trạm biến áp 500 kV Pleiku, Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2. Các dữ liệu đó được lưu trữ trên không gian trang website của TTĐ Gia Lai và các trang website nội bộ của 2 trạm biến áp 500 kV để thuận lợi trong công tác điều hành quản lý, tra cứu thông tin.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng áp dụng một số phần mềm, tiện ích như: Zalo, Zoom Cloud Meetings, văn phòng điện tử E-OFFICE, quản lý nhân sự HRMS, quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP, quản lý đầu tư xây dựng IMIS, giao nhận điện năng, quản lý sửa chữa lớn eSCL, quản lý kỹ thuật PMIS, Google Map… trong điều hành, quản lý kỹ thuật. Cán bộ, nhân viên được trang bị máy tính bảng có kết nối 3G/4G, Flycam, Google Map để thực hiện kiểm tra lưới điện, lắp đặt 5 bộ camera để giám sát các vị trí trọng yếu trên lưới để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, quản lý vận hành lưới TTĐ.

Ông Nguyễn Trọng Tài-Trạm trưởng Trạm biến áp 500 kV Pleiku-chia sẻ: “Khi mới bắt tay làm quen, cán bộ, nhân viên còn khá bỡ ngỡ khi sử dụng các ứng dụng trang-thiết bị hiện đại. Sau khi được tập huấn và áp dụng vào thực tế, chúng tôi đã nhận thấy hiệu quả vì vừa đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, vừa nâng cao năng suất, hiệu quả của công việc”.

 Truyền tải điện Gia Lai bước đầu áp dụng công nghệ đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: Lê Gia
Truyền tải điện Gia Lai bước đầu áp dụng công nghệ đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: Lê Gia


Đặc biệt, TTĐ Gia Lai đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: lắp thiết bị định vị sự cố FL cho 7/9 đường dây 500 kV và 5/12 đường dây 220 kV lắp đặt tại Trạm biến áp 500 kV Pleiku và 500 kV Pleiku 2; lắp đặt hệ thống giám sát bản thể MBA; hệ thống giám sát dầu online cho tất cả các MBA 500 kV, các kháng điện bù ngang 500 kV tại các Trạm biến áp 500 kV Pleiku và Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2. Theo TTĐ Gia Lai, khi thực hiện chuyển đổi số thành công và công nghệ AI được tích hợp thì lúc đó hầu hết các công việc sẽ do máy móc với trí tuệ nhân tạo đảm nhận.

Ông Đặng Đức Lý cho biết thêm: “Ngoài đẩy mạnh số hóa, chuẩn bị thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công việc, hướng tới phát triển lưới điện thông minh, xây dựng hệ sinh thái số đồng bộ, chúng tôi còn chú ý phát triển bền vững về xã hội và môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, thực hiện tốt các chính sách phúc lợi xã hội, tạo môi trường làm việc cởi mở để phát huy khả năng sáng tạo của cán bộ, nhân viên”.

 

LÊ GIA-VĂN HẢI

Có thể bạn quan tâm