Chương trình OCOP thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp các chủ thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai hoàn thiện, nâng tầm sản phẩm đặc trưng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Sau 2 năm tham gia OCOP, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực. Trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh gồm: tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí và cà phê Đak Yang.
Ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho biết: Với thành công bước đầu, mỗi năm HTX đưa sản phẩm đi tham gia hơn 20 hội chợ, kết nối cung cầu, đồng thời liên hệ các kênh siêu thị, cửa hàng trên cả nước và quảng bá trên các kênh online. Đặc biệt, HTX đã đưa sản phẩm tiêu hữu cơ sang nước Pháp để quảng bá tại thị trường châu Âu với thương hiệu Đất Đỏ. Song, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao nên lượng tiêu thụ chưa nhiều.
“Thời gian tới, HTX liên kết tham gia dự án chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững tại xã Nam Yang và Hải Yang để mở rộng vùng nguyên liệu. Xây dựng nhà máy chế biến hồ tiêu và cà phê vừa tạo việc làm cho lao động địa phương, vừa đáp ứng những đơn hàng trong nước và xuất khẩu; tiếp tục nâng tầm sản phẩm OCOP đã đạt 4 sao lên 5 sao”-ông Công chia sẻ.
Du khách tham quan điểm giới thiệu và quảng bá sản sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Gia Hưng
Du khách tham quan điểm giới thiệu và quảng bá sản sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Gia Hưng
Qua 2 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn tỉnh có 149 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh, trong đó có 22 sản phẩm đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao (vượt 98 sản phẩm so với kế hoạch giai đoạn 2018-2020). Có 103 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, của 53 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình OCOP hơn 107,3 tỷ đồng.

Tương tự, bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) cho hay: Hiện tại HTX có 7.500 đàn ong được chứng nhận khai thác mật theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia Chương trình OCOP, HTX đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Đồng thời, liên hệ các kênh siêu thị và quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, trang mạng điện tử và trên website của HTX.

“Đến nay, sản phẩm mật ong Phương Di được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX tăng 20-30% so với trước. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với HTX Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai mở gian hàng trung bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku)”-bà Trần Thị Hoàng Anh nói.

Bên cạnh đó, để quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, các sở, ngành đã xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử với tên miền http://ocopgialai.vn; hướng dẫn các đơn vị tham gia dự các hội chợ tại Campuchia; tổ chức 6 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức đoàn tham gia 7 hội chợ, triển lãm trong nước; kết nối giao thương, cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; tổ chức hội chợ OCOP mỗi năm 1 lần tại khu Quảng trường Đại Đoàn Kết... Đồng thời, mở 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) thông tin: Trong 2 năm qua, Trung tâm đã xuất bản 600 tập san “OCOP Gia Lai-mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng sàn thương mại điện tử, tham gia 5 chuyên đề OCOP tại Bến Tre, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên và tổ chức 2 hội chợ OCOP tại Gia Lai.
Thông qua các hội chợ, sàn thương mại đã tạo không gian triển lãm, giới thiệu sản phẩm mới, giao lưu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, Trung tâm là cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Qua đó, đã giúp cho một số sản phẩm OCOP ký kết nhiều biên bản ghi nhớ và đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối Lotte trên cả nước...
Gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Lê Nam
Gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chương trình OCOP đã thật sự có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3-4 sao đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy được lợi ích của chương trình nên rất tích cực tham gia. Sau khi tham gia OCOP đã giúp các chủ thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn 20-30% so với thời điểm trước.

“Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu mỗi năm có thêm 50 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh và đến cuối năm 2025, có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao. Đồng thời, duy trì Chương trình OCOP thường niên; có hệ thống xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; nâng cao doanh số bán hàng và lợi nhuận; đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong nông thôn thông qua Chương trình OCOP; triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và định hướng áp dụng công nghệ 4.0 trong marketing online để giới thiệu sản phẩm OCOP tại các thị trường trong và ngoài tỉnh”-ông Huyền thông tin thêm.
GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.