Giá gạo xuất khẩu lại bật tăng vượt giá gạo Thái Lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam được chào bán với giá từ 518-522 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 1 ngày trước.

 Giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo tăng nhờ đẩy mạnh xuất khẩu gạo phẩm cấp cao. Ảnh: TTXVN
Giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo tăng nhờ đẩy mạnh xuất khẩu gạo phẩm cấp cao. Ảnh: TTXVN


Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam có giá chào bán từ 518 -522 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 1 ngày trước (ngày 2.3 được chào bán với giá từ 513-517 USD/tấn).

Các thương nhân ngành lúa gạo cho biết, đây là mức giá cao vượt cả giá gạo cùng loại của Thái Lan. Hiện tại, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán với giá từ 513-517 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Ấn Độ xuất khẩu với giá 398-402 USD/tấn; gạo còn Pakistan được chào bán với giá 438-442 USD/tấn.

Không riêng gì gạo 5% tấm, các loại gạo khác của Việt Nam cũng được xuất khẩu với giá cao: Gạo 25% tấm từ 4493-497 USD/tấn; Jasmine dao động từ 563-567 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 438 USD-442 USD/tấn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 608.768 tấn gạo các loại, đạt giá trị kim ngạch 336,18 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm khoảng 34% về khối lượng nhưng lại tăng 22% giá trị kim ngạch.

Tính bình quân, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12.2020 và tăng 15,4% so với tháng 1.2020.

Lý giải về những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt giá trị cao, TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhấn mạnh: Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao ra thế giới. Trong đó, gạo thơm chiếm 26,3% trong tỉ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu năm 2020. Gạo japonica chiếm 3,4%, gạo nếp chiếm 8,8%, gạo lứt 1,7%, gạo trắng cao cấp 3,7%)…

“Xuất khẩu gạo có phẩm cấp cao đã góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua” - TS Nguyễn Quốc Toản nói.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - khẳng định: Nếu không bị "vướng" các tác động ngoại cảnh như thiếu vỏ container rỗng, không bị thiếu nguồn cung trong giai đoạn "giao mùa"... xuất khẩu gạo của Việt Nam còn đạt kết quả cao hơn nữa.

“Thứ nhất, tháng 1 và 2.2021 đã cuối vụ Việt Nam chưa thu hoạch nên nguồn để xuất khẩu ít; thứ 2 là containe thuê khó đẩy giá cước tăng cao cũng làm giảm đơn hàng ký hợp đồng. Từ tháng 3 xuất khẩu gạo sẽ khá hơn vì đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu thu hoạch” - ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp cũng lạc quan về bức tranh xuất khẩu gạo năm 2021 và giá gạo của Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

 


Tại thị trường trong nước, giá gạo vẫn đạt mức cao. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa tươi IR 50404 dao động từ 6.900 - 7.000; lúa OM 5451 giá bán 7.000 - 7.200 đồng/kg; OM 9577, OM 9582: 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8: Từ 7.200 - 7.500 đồng/kg; nàng Hoa: 9 7.500 - 7.600 đồng/kg; giá nếp vỏ khô 7.600 - 7.900 đồng/kg.

https://laodong.vn/kinh-te/gia-gao-xuat-khau-lai-bat-tang-vuot-gia-gao-thai-lan-885333.ldo

Theo VŨ LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.