Thực hiện "mục tiêu kép": Muôn kiểu kích cầu, giải phóng sức mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo đại diện của nhiều siêu thị, mức bán lẻ hàng hóa đang giảm khá mạnh, có siêu thị giảm tới 30%-40%. Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống vốn là thế mạnh của siêu thị thì nay cũng đã giảm cầu rất lớn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc kích cầu tiêu dùng nội địa cũng nhằm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch, vừa duy trì, phát triển kinh tế.

Nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng được các doanh nghiệp và siêu thị áp dụng để thu hút sức mua. Ảnh: Thanh Tân
Nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng được các doanh nghiệp và siêu thị áp dụng để thu hút sức mua. Ảnh: Thanh Tân


Muôn chiêu kích cầu

Trước tình trạng mức tiêu thụ hàng hóa bán lẻ giảm sút mạnh, hàng loạt siêu thị đang áp dụng các chính sách khuyến mãi để kích cầu nội địa, hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh COVID-19 trong giai đoạn mới hiện nay. Central Retail, Co.op Mart, Hapro... đang tung nhiều “chiêu” khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng mở hầu bao mua sắm.

“Chương trình áp dụng giảm giá đến 49% đối với gần 1.000 sản phẩm, đến từ nhiều nhóm ngành hàng: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các sản phẩm sữa, đồ uống, các loại gia vị, nước chấm; hóa mỹ phẩm; nhóm hàng gia dụng; thời trang; đồ dùng gia đình; và hàng trăm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu... Đây là chương trình khuyến mãi lớn đầu tiên của năm 2021, được Hệ thống siêu thị GO!/ Big C thực hiện” - bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông của Central Retail - nói.

Nhưng bà Nguyễn Thị Bích Vân cũng cho biết: Hệ thống siêu thị Big C "không tránh khỏi tình trạng chung hiện nay", tức là lượng khách hàng đến siêu thị đang giảm sút.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.op Mart Hà Nội - cho hay: So với trước, sức mua đã giảm từ 30-40%. Trong dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng dự trữ phục vụ bình ổn thị trường được siêu thị chuẩn bị đầy đủ nhưng tiêu thụ rất chậm. Đặc biệt, sau dịp Tết Nguyên đán đến nay, mức bán lẻ đang chững lại. “Chúng tôi đang triển khai giảm giá, khuyến mãi hàng loạt mặt hàng. Tuy nhiên, cần tuyên truyền để người dân đẩy mạnh mua sắm, kích cầu nội địa bởi hiện nay sức mua đã giảm rất mạnh” - bà Nguyễn Thị Kim Dung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG - nói rằng, hiện hệ thống BRGMart đã lên kế hoạch tiếp tục mua và tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản rau, củ quả để hỗ trợ nông dân các tỉnh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với giá không lợi nhuận, nên chưa chạy lồng chương trình khuyến mãi.

“Thực tế, hiện giá bán không lợi nhuận của các loại rau củ quả này đã rất rẻ: Su hào 3.000 đồng/kg, bắp cải 3.000 đồng/kg, cà chua 6.000 đồng/kg, cà rốt: 6.500 đồng/kg. Nhiều lô hàng ổi Thanh Hà, trứng vịt cũng đang được lên kế hoạch vận chuyển đến các siêu thị BRGMart trong thời gian tới.

Việc giảm mức bán lẻ hàng hóa đã khiến không chỉ các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, mà cả các tiểu thương chợ dân sinh đang như "ngồi trên đống lửa". Theo bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam - mỗi tỉnh đang áp dụng các chỉ thị của Chính phủ về cách ly xã hội khác nhau, gây khó khăn cho một số hệ thống siêu thị có điểm bán tại các tỉnh trong việc vận chuyển hàng hóa về các điểm đó. Mặt khác, ra Tết, sức mua bao giờ cũng giảm do trước Tết khách hàng mua nhiều. Hơn nữa, năm nay dịch bệnh COVID-19 nên người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

"Thời gian này và tiếp theo, các nhà bán lẻ sẽ phải gồng mình nỗ lực nhiều hơn cùng với các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến mãi thực sự hấp dẫn mới thu hút được khách” - bà Vũ Thị Hậu nói.

Chống dịch, nhưng phải mềm dẻo để "rã băng" tiêu dùng

Còn theo ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương - hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều người lao động không có việc làm dẫn đến không có thu nhập cùng với việc phòng, chống dịch bệnh bắt buộc áp dụng phong tỏa, cách ly… cũng khiến sức mua giảm sút.

“Ngoài ra, nên có các gói an sinh xã hội cho lao động, người dân Hải Dương cũng như người dân bị giãn cách, phong tỏa; chính sách miễn giảm thuế, các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp của tỉnh duy trì hoạt động để phòng chống dịch bệnh. Khi có thu nhập, sức mua mới tăng” - ông Phạm Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước cần xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa; xác định rõ các điều kiện để cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận tiện qua địa bàn các tỉnh nói chung, cũng như trong vùng có dịch nói riêng.

Theo bà Vũ Thị Hậu, hiện tại các hệ thống siêu thị sẵn sàng hỗ trợ nông dân cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng, nhưng rất cần sự cùng vào cuộc của các bên liên quan như chính quyền địa phương, y tế, sự chỉ đạo của ban phòng chống dịch bệnh các cấp, nhằm đảm bảo đưa sự an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu, tránh sự lây lan dịch bệnh qua hàng hoá là điều đã xảy ra ở các nước trên thế giới.

 

TPHCM: Kích cầu qua kênh bán hàng trực tuyến

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho rằng, triển vọng phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương thành phố trong năm 2021 phụ thuộc nhiều vào năng lực dự báo tình hình thị trường và khả năng nắm bắt khai thác thị trường. Đặc biệt, thị trường nội địa sẽ là điểm mấu chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Để khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi và đẩy mạnh phát triển, nhiều doanh nghiệp đã đề ra chiến lược, kế hoạch để thay đổi mình. Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân - cho biết, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong năm vừa qua.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị, không ngừng đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng cao đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo dinh dưỡng. Bên cạnh các điểm bán trên kênh truyền thống, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc, ngoài website của công ty, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với các sàn thương mại điện tử thành lập hotline đặt hàng trực tiếp qua điện thoại, đưa vào sử dụng chuỗi cửa hàng trên dịch vụ đi chợ hộ... nhằm đa dạng hóa cách bán hàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân” - bà Huân cho hay. Ngọc Lê

https://laodong.vn/thi-truong/thuc-hien-muc-tieu-kep-muon-kieu-kich-cau-giai-phong-suc-mua-882672.ldo

Theo LONG VŨ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm