Không dễ quản lý thị trường thực phẩm tự làm trong dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Riêng đối với các mặt hàng được bán theo hình thức online trên các trang mạng xã hội hiện không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Sản xuất mứt Tết tại Công ty Cổ phần Bánh Mứt kẹo Hà Nội (Hanobaco). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sản xuất mứt Tết tại Công ty Cổ phần Bánh Mứt kẹo Hà Nội (Hanobaco). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


Dịp cận Tết, người tiêu dùng dễ tìm thấy những quảng cáo về thực phẩm nhà làm (handmade), đặc sản quê truyền thống hay phục vụ Tết trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook...

Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc những sản phẩm này không dễ.

Các sản phẩm được rao bán chủ yếu là mứt dừa non dẻo kem tươi, mứt dừa đũa non dẻo trộn các vị trà xanh, vani, lá nếp, càphê, chanh leo, dâu tây; hay như các mặt hàng gia truyền gồm chả nấm, chả nem cua bể, mọc tôm, cánh gà rang muối, chả mực, cốt lẩu thái... với nhiều mức giá hấp dẫn dẫn và được người bán khẳng định tất cả đều làm thủ công, không chất bảo quản, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, giò me có giá thấp nhất từ 180.000-350.000 đồng/kg; thịt bò khô có giá từ 800.000-900.000 đồng/kg; thịt trâu gác bếp có giá khoảng 900.00 đồng/kg, xúc xích, lạp sườn 170.000-200.000 đồng/kg.

Hay các loại mứt như mứt cà rốt, gừng dẻo giá 320.000 đồng/kg, mứt dừa, đu đủ hay mứt bí 290.000-320.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho biết, nếu thực phẩm bày bán tại các chợ, các siêu thị sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát khá kỹ lưỡng về vấn đề an toàn thực phẩm.

Nhưng, riêng đối với các mặt hàng được bán theo hình thức online trên các trang mạng xã hội hiện không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý trong lĩnh vực này.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết thách thức lớn nhất trong vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất lạc hậu, công nghệ kém của các hộ kinh doanh...

Cùng với đó là thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ... vẫn phổ biến ở nhiều địa phương.

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, để kiểm soát tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đơn vị tích cực phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại, với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết ở các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Để tăng cường công tác quản lý thực phẩm dịp Tết, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021; trong đó, sẽ thanh, kiểm tra các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống... để ngăn chặn từ gốc thực phẩm "bẩn" từ từ ngày 15/12/2020 đến 25/3/2021.

Theo Nam Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.