Việt Nam tự hào là điểm sáng của thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặc dù dịch bệnh bủa vây trên toàn thế giới, thiên tai chồng chất khó khăn nhưng sau 1 năm, Việt Nam vẫn xuất siêu tới 19,1 tỷ USD và đây là năm thứ 5 liên tục Việt Nam xuất siêu. Bộ Công thương đánh giá rằng, Việt Nam xứng đáng là điểm sáng của thế giới.  

Dù khó khăn chồng chất khó khăng nhưng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sau 1 năm vẫn lập nên kỳ tích mới
Dù khó khăn chồng chất khó khăng nhưng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sau 1 năm vẫn lập nên kỳ tích mới



Ngày 31-12, Bộ Công thương đã công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành công thương Việt Nam trong năm 2020.

1. Bứt phá trong công tác hội nhập: nhiều sáng kiến của ngành công thương trong Năm Chủ tịch ASEAN đã được triển khai có hiệu quả; ký kết, đàm phán và triển khai thành công các hiệp định thương mại (FTA) quan trọng.

2. Xuất khẩu vượt khó bất chấp đại dịch, duy trì tăng trưởng dương; xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại Việt Nam.

3. Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, được triển khai toàn diện, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới.

4. Công tác quản lý thị trường có nhiều đột phá sau khi tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, phát hiện triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn.

5. Công nghiệp chế biến chế tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

6. Công tác thăm dò và khai thác dầu khí đạt kết quả tích cực: Dòng khí thương mại đầu tiên đã “cập bờ” từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt; đồng thời phát hiện dầu khí trữ lượng lớn tại mỏ Kèn Bầu.

7. Thị trường trong nước được củng cố và giữ vững, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”.

8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại, thực hiện mô hình xúc tiến thương mại mới kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp (hybrid), giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận từ xa các đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch.

9. Thương mại điện tử chuyển mình, phát huy hiệu quả, tạo xung lực mới cho tăng trưởng.

10. Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử không ngừng được đổi mới, hành động quyết liệt, thực chất và đi vào chiều sâu.

 


Dù dịch Covid-19, Việt Nam vẫn xuất siêu 19,1 tỷ USD

Theo đánh giá của Bộ Công thương, 2020 là năm kinh tế Việt Nam đối mặt rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự điều hành sáng tạo và bình tĩnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, các địa phương, đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp… nên chúng ta vẫn lập nên những kỳ tích đáng tự hào.

Việt Nam với độ mở cửa nền kinh tế là 200% GDP, được coi là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới. Vì vậy, khi nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm trước tác động của đại dịch Covid-19, đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là từ đầu quý 2-2020.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Khi dịch Covid-19 mới khởi phát ở Trung Quốc, Bộ Công thương đã chủ động đề xuất Bộ Y tế xây dựng quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Cùng với đó, Bộ Công thương bám sát thực tiễn, thông qua các kênh ngoại giao, thương vụ… để liên hệ mở rộng thị trường, tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn cung linh phụ kiện nhằm đảm bảo cho sản xuất trong nước, tăng trưởng xuất khẩu. Vì vậy, năm 2020 qua đi với vô vàn khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí có những thời điểm nền kinh tế đối mặt với nguy hiểm chưa từng có, nhưng Việt Nam vẫn đạt được thành tựu đáng kích lệ.

Kết quả, kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại toàn cầu, xuất siêu tiếp tục được duy trì. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Trong năm 2020, Việt Nam có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 31 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

“Dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư” – Bộ Công thương đưa ra đánh giá: “Trong bối cảnh dịch Covid-19, với thành công trong chống dịch nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam chính là điểm sáng trên toàn thế giới”.


Theo VĂN PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

‘Bão’ giá cà phê

‘Bão’ giá cà phê

Ngày thứ 2 liên tiếp, các sàn giao dịch cà phê thế giới tăng giá đến 3 con số. Giá cà phê nội địa cũng tăng lên mức cao chót vót, càng khiến nhiều người phân vân không biết nên bán hay tiếp tục giữ hàng.