Ngành công thương lý giải nhân tố đẩy giá nông sản tăng 2-3 lần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sản xuất thiếu liên kết và khép kín; hạ tầng yếu kém, giá thành logistics quá cao... là những nguyên nhân khiến giá nông sản đắt gấp 2-3 lần.

Hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm 10%, nông sản chủ yếu được bán tại chợ truyền thống. Ảnh: Vũ Long
Hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm 10%, nông sản chủ yếu được bán tại chợ truyền thống. Ảnh: Vũ Long


90% nông sản phân phối nhỏ lẻ, thiếu liên kết

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay, cũng như nhiều mặt hàng khác, nông sản thực phẩm vẫn chủ yếu duy trì phương thức tổ chức tiêu thụ theo kênh truyền thống (chợ dân sinh-PV), chiếm khoảng 90% lượng nông sản tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Ngày 26.12, trả lời câu hỏi của PV vì sao giá sản phẩm tăng gấp 2-3 lần so với giá buôn, ông Dương Thái Trung – Trưởng phòng Phân phối hàng hóa và Dịch vụ thương mại, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết.: “Tỉ lệ hình thành kênh tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh từ người sản xuất với doanh nghiệp vẫn còn chiếm tỉ lệ rất thấp, phần lớn các liên kết trong chuỗi vẫn rất lỏng lẻo, chủ yếu thông qua trung gian”.

Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu đã được thiết lập và củng cố, phát huy vai trò quan trọng trong kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng. Tuy nhiên, chưa đồng bộ, chưa thực sự bền vững. Liên kết theo chuỗi còn lỏng lẻo và chậm phát triển; Chưa thiết lập được mối liên kết lâu dài giữa sản xuất với lưu thông, giữa bán buôn và bán lẻ theo những kênh lưu thông hợp lý, ổn định, đặc biệt là việc bán vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, thực phẩm để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp.

Thống kê cho thấy, tuy có sự tăng trưởng, số hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản, trang trại có liên kết tiêu thụ nông sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Số hợp tác xã (HTX) thực hiện liên kết mới đạt 2.469 HTX, chiếm 35,5% tổng số hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản; 7.324 trang trại có liên kết sản xuất, chiếm 21,9% tổng số trang trại.

Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng của cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất chiếm tỉ lệ khiêm tốn trong tổng số diện tích gieo trồng, một số tỉnh chưa có diện tích cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu trước khi sản xuất, chỉ có rất ít hợp tác xã thực hiện tiêu thụ nông sản cho thành viên và nông dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, diện tích cánh đồng lớn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, số hộ nông dân, hợp tác xã tham gia liên kết xây dựng cánh đồng lớn chưa nhiều, chỉ có gần 700.000 hộ trong tổng số 9,32 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản.

“Chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị nông sản gắn sản xuất với sơ chế, chế biến tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Hoạt động sản xuất chưa thực sự tuân thủ và được xây dựng theo một chuẩn mực, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng”. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá nông sản”- ông Dương Thái Trung phân tích thêm.

Hạ tầng thương mại, logistics yếu kém

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay, kết cấu hạ tầng thương mại tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nông sản còn yếu kém (siêu thị, trung tâm thương mại, hạ tầng logistics, kho bãi, trung tâm hội chợ, triển lãm), ý thức về vai trò của logistics trong chuỗi cung ứng còn hạn chế, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, dẫn tới chi phí logistics còn ở mức cao.


 

Kênh phân phối nhỏ lẻ đẩy giá thịt lợn và các mặt hàng nông sản tăng cao. Ảnh: Vũ Long
Kênh phân phối nhỏ lẻ đẩy giá thịt lợn và các mặt hàng nông sản tăng cao. Ảnh: Vũ Long


Thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng…

Bên cạnh đó phần lớn các quy định, chính sách phát triển thương mại trong nước, nhất là các chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, mang tính khuyến khích, định hướng mà không có giá trị thực thi bắt buộc cũng như thiếu nguồn lực để triển khai. Mặt khác, việc ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng thương mại chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế.

 

https://laodong.vn/kinh-te/nganh-cong-thuong-ly-giai-nhan-to-day-gia-nong-san-tang-2-3-lan-865558.ldo

Theo Vũ Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng 126%

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng 126%

(GLO)- Trang thông tin điện tử tổng hợp soha.vn dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1-2024, Việt Nam đã xuất khẩu 65.142 tấn hạt điều, trị giá 351,2 triệu USD (tăng 139,4% về lượng và tăng 126% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).