Gia Lai đẩy mạnh xúc tiến và hỗ trợ đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những giải pháp thiết thực, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai trong năm 2020 đã mang lại hiệu quả cao, góp phần quảng bá tiềm năng và thúc đẩy thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiệu quả từ công tác xúc tiến đầu tư
Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), năm 2020, toàn tỉnh có 56 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 43.700 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, lập đề xuất 22 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4.200 tỷ đồng. Sở cũng đang thụ lý 93 hồ sơ dự án xin chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án trên địa bàn tỉnh với số vốn gần 21.740 tỷ đồng.
Riêng lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, UBND tỉnh đã trình Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch 14 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.354 MWp và 74 dự án điện gió với công suất gần 9.700 MW. 
Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã đổi mới phương thức vận động theo hướng tiếp cận nhà đầu tư trong và ngoài nước, chủ động cung cấp thông tin, mời gọi đầu tư. Đặc biệt, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ được chú trọng đúng mức với các hoạt động cụ thể như: tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư một cách kịp thời.
Công nhân lắp đặt tấm pin mặt trời tại Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa. Ảnh: Hà Duy
Công nhân lắp đặt tấm pin mặt trời tại Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa. Ảnh: Hà Duy
Ông Nguyễn Minh Tuấn-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Licogi 16 Gia Lai-đánh giá: Để dự án Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLicogi 16 sớm triển khai thi công, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía tỉnh như làm thủ tục khảo sát dự án, giúp dự án sớm được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, giải phóng mặt bằng…
“Năm 2020, bộ phận dịch vụ công đã tiếp nhận và xử lý khoảng 200 hồ sơ bao gồm: hồ sơ thành lập mới, hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, không tính hồ sơ về thông báo mẫu dấu và thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế”-ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư-cho biết.
Công tác hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân sự của các doanh nghiệp được chú trọng đúng mức. Trong năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức 4 khóa đào tạo với 8 chuyên đề cho khoảng 240 học viên tham gia. Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh còn xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham mưu giúp UBND tỉnh điều chỉnh quyết định ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và cấp huyện (DDCI) năm 2020.
Nhiều giải pháp đột phá trong năm 2021
Dù đạt được những kết quả khá ấn tượng, song công tác thu hút đầu tư của tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương ngày càng lớn, một số tỉnh lân cận có nhiều chính sách đột phá, thông thoáng hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trong khi tại tỉnh ta, thời gian qua vẫn còn khá nhiều “rào cản” đối với các nhà đầu tư, đó là vướng đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp của người dân; quy trình thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn phức tạp, thực tế đã xảy ra chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư; một số địa phương chưa dự kiến trước được vùng dự án để cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm… khiến công tác thu hút đầu tư chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. 
Nhà máy chế biến rau củ quả Đồng Giao
Nhà máy chế biến rau củ quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Hà Duy
Trước thực tế đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
“Trung tâm sẽ phối hợp cùng các ngành và địa phương thường xuyên thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin, dữ liệu đầu tư lên trang thông tin điện tử để các nhà đầu tư tìm hiểu, tra cứu; tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là việc hỗ trợ hoàn thành các thủ tục, xác định giá đất, giải phóng mặt bằng… Cùng với đó là nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, phù hợp với điều ước quốc tế và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực”-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết thêm.
Năm 2021, Trung tâm sẽ lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ là hạt nhân hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến; đẩy mạnh áp dụng kinh tế số trong công tác xúc tiến đầu tư; phát huy vai trò của tổ công tác xúc tiến đầu tư mỗi huyện, thị xã, thành phố, để từ đó làm đầu mối kêu gọi đầu tư và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Đặc biệt, sẽ chú trọng gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, các bộ, ngành, Trung ương và các địa phương trong khu vực.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.