Gạo Ba Chăm mang chỉ dẫn địa lý Mang Yang: Cơ hội vươn ra thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ba Chăm là giống lúa đặc sản có từ rất lâu đời ở một số vùng đồng bào dân tộc Bahnar của huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai). Không chỉ tự hào vì thương hiệu gạo Ba Chăm được nhiều người tin dùng mà người dân nơi đây càng phấn khởi hơn khi hạt gạo truyền thống hiện được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Mang Yang”.

“Hạt ngọc trời”

Xã Đak Trôi có diện tích lúa Ba Chăm lớn nhất huyện Mang Yang. Vì vậy, giống lúa này được gắn liền với địa danh Đak Trôi. Toàn xã có khoảng 360 ha lúa, phần lớn là giống lúa Ba Chăm được người dân trồng chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang.

Giống lúa địa phương này có thân to, cao, sức đề kháng tốt, được đồng bào Bahnar chọn lọc từ ngàn đời, canh tác theo phương thức truyền thống (chọc, trỉa), dựa hoàn toàn vào tự nhiên. Vì vậy, gạo Ba Chăm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo cơm và mùi thơm nhẹ.

 Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm gạo đặc trưng Đak Trôi và Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm gạo đặc trưng Đak Trôi và Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy


Khu vực trồng lúa Ba Chăm là vùng cánh đồng trũng phân bố ở độ cao từ 700 m đến 1.000 m so với mực nước biển, biên độ dao động nhiệt ngày đêm vào các tháng cây lúa trổ bông và đóng hạt (tháng 9-tháng 10) là 9-10 độ C, độ ẩm không khí trên 80% trong suốt mùa vụ canh tác (tháng 4 đến tháng 11). Điều kiện tự nhiên và mùa vụ canh tác dài ngày đã giúp cây lúa nơi đây có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng, tạo ra hạt gạo thơm ngon.

Theo người bản địa, “ba” tiếng Bahnar có nghĩa là “lúa”, còn Chăm là dân tộc Chăm. Ba Chăm có nghĩa là giống lúa của người Chăm. Già làng Bluch (làng Đê Klong, xã Đak Trôi) khẳng định: “Mình đã trải qua hơn 70 mùa rẫy rồi nhưng vẫn không biết chính xác giống lúa Ba Chăm có từ khi nào. Chỉ biết rằng dân làng mình đã ăn gạo này từ rất lâu rồi, từ đời mình đến đời con cháu cứ ăn hạt gạo này để lớn lên thôi”.

Trước đây, lúa Ba Chăm chỉ cho năng suất tầm 2,6 tấn/ha vì trồng trên đất dốc, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Hiện nay, nhờ một số diện tích có thể tận dụng làm cánh đồng ruộng bậc thang giữ nước nên năng suất tăng lên 3,2 tấn/ha.

Anh Vain-người dân xã Đak Trôi-chia sẻ: “Giống lúa này mình trồng lâu lắm rồi, từ thời ông bà mình để hạt giống lại cho mình trồng theo. Ở đây mọi người quen ăn loại gạo này rồi nên chỉ trồng giống lúa Ba Chăm chứ không trồng giống khác. Gạo ngon nên cũng nhiều người tìm mua. Hạt gạo không những nuôi sống gia đình mà còn giúp mình có thêm tiền lo trang trải cuộc sống”.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho gạo Ba Chăm

Xác định nông dân là người trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm có lợi thế so sánh, cạnh tranh, chính quyền địa phương đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ cho sản phẩm gạo Ba Chăm định hình thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Mục tiêu của dự án là khôi phục giống lúa Ba Chăm nguyên chủng, thiết lập quy trình sản xuất tối ưu cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển gạo Ba Chăm trở thành gạo đặc sản được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, góp phần giúp đồng bào Bahnar vùng Đak Trôi cũng như các địa bàn lân cận thay đổi điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, xây dựng gạo Ba Chăm thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.

Bản đồ chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm.
Bản đồ chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm.


Cùng với đó, từ tháng 9-2017 đến tháng 11-2020, huyện Mang Yang cũng triển khai Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Ba Chăm với tổng kinh phí trên 524 triệu đồng/năm do UBND huyện làm chủ đầu tư. Từ dự án này, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ, tăng thu nhập. Đồng thời, đảm bảo vùng nguyên liệu lúa Ba Chăm ổn định về sản lượng, chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Ba Chăm Mang Yang. Hiện nay, sản phẩm gạo Ba Chăm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Với tính đặc trưng, năm 2018, gạo Ba Chăm đã được Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; năm 2019 được công nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh và được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam. Đồng thời, lúa Ba Chăm đã được Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tuyển chọn là giống lúa bản địa của tỉnh Gia Lai (là sản phẩm của đề tài khoa học-công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh do Sở KH-CN quản lý). Từ đó, Sở KH-CN tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai dự án nhằm phát triển giống lúa cạn bản địa gồm: giống lúa Ba Chăm, Ba Ruê, Ba Jú được triển khai tại huyện Mang Yang và Kông Chro.

Mặt khác, nhằm quảng bá sản phẩm gắn với bảo tồn, phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương, Sở KH-CN đã phối hợp với UBND huyện Mang Yang tham mưu UBND tỉnh tiến hành thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm gạo Ba Chăm dưới hình thức là chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Qua đó, cuối tháng 11-2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã có Quyết định số 4524/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00093 “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm. Theo đó, khu vực địa lý bao gồm các xã: Đak Trôi, Đê Ar, Kon Chiêng, Kon Thụp, Lơ Pang (huyện Mang Yang).

 

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho gạo Ba Chăm sẽ giúp người dân nhận biết, quản lý và phát triển sản phẩm hiệu quả, bền vững. Ảnh: Ngọc Thu
Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho gạo Ba Chăm sẽ giúp người dân nhận biết, quản lý và phát triển sản phẩm hiệu quả, bền vững. Ảnh: Ngọc Thu

Chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ địa lý của hàng hóa mà còn đóng vai trò tích cực trong việc liên hệ đến chất lượng của sản phẩm, bao gồm những đặc điểm của sản phẩm mà chỉ có được do nguồn gốc địa lý của nó, chẳng hạn như khí hậu, đất đai hoặc các phương thức sản xuất truyền thống. Đồng thời, chủ sản phẩm có quyền được ngăn cấm những người không có thẩm quyền sử dụng CDĐL, hoặc đối với những sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đã nêu, hoặc loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Mặt khác, bảo hộ CDĐL để chúng không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác.
 

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ đồng hành cùng UBND huyện Mang Yang để quản lý, sử dụng và phát triển hiệu quả, bền vững CDĐL Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm; tạo bước đệm để gạo Ba Chăm trở thành sản phẩm đặc sản có thương hiệu mạnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Sở KH-CN sẽ tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các đề tài, dự án KH-CN cấp tỉnh, cấp quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề như: giống, quy trình sản xuất, bảo quản và chế biến sau thu hoạch, thị trường và đặc biệt là đánh giá khả năng bảo hộ CDĐL Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm ra thị trường thế giới.

Cùng với đó, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương chứng nhận VietGAP cho sản phẩm gạo Ba Chăm được mang CDĐL; xây dựng các phương tiện nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại như: hình thành bộ nhận diện thương hiệu cho CDĐL Mang Yang với sản phẩm gạo Ba Chăm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã vùng trồng, hỗ trợ tham gia các sự kiện trong lĩnh vực KH-CN, sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước.
 

NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng 126%

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng 126%

(GLO)- Trang thông tin điện tử tổng hợp soha.vn dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1-2024, Việt Nam đã xuất khẩu 65.142 tấn hạt điều, trị giá 351,2 triệu USD (tăng 139,4% về lượng và tăng 126% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).