Thiết lập kênh phân phối sản phẩm đặc trưng: Yêu cầu bức thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn gặp khó trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì vậy, các ngành và chính quyền địa phương cần có biện pháp giúp đỡ chủ thể của sản phẩm nhằm liên kết kênh phân phối, vươn ra thị trường rộng lớn.

Tạo cơ hội tiếp cận thị trường

Bà Trần Thị Diễm Kiều-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ Đak Đoa-chia sẻ: “Sản phẩm của Công ty đã được chứng nhận đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020. Tháng 7 vừa qua, tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm ở Quảng Bình, Công ty đã tiếp cận, tạo được mối liên kết với một số hệ thống phân phối lớn, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Vũ Thảo
Gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Vũ Thảo


Hiện nay, vấn đề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương qua các kênh phân phối lớn chưa nhiều. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Trong số 42 sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh năm 2019 thì mới chỉ có một vài sản phẩm vào được các siêu thị lớn trên địa bàn như: Co.op Mart, Vinmart. Số còn lại chủ yếu tiêu thụ qua cửa hàng nhỏ lẻ hoặc bán online. Ông Binh nêu thực tế: “Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng, nhưng lại chưa tiếp cận được người tiêu dùng vì việc liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối còn hạn chế. Do đó, chỉ dựa vào bản thân của chủ thể OCOP sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới”. Vì vậy, theo ông Binh, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội mua bán, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương. Cùng với đó, xây dựng các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm để hỗ trợ tìm kiếm đầu ra.

Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai-cho hay: “Ngoài việc xây dựng một điểm bán và giới thiệu sản phẩm ngay tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku vào đầu tháng 8-2020, Công ty đã chủ động kết nối với các đơn vị phân phối để đưa hàng ra ngoài tỉnh. Đến nay, Công ty đã xây dựng được mối quan hệ với 3 chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Đà Nẵng. Ngoài ra, Công ty còn lập thêm văn phòng kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo thuận lợi cho các sản phẩm của tỉnh có cơ hội được tham gia các hội chợ lớn”. Theo ông Tuân, tuy có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng việc đưa hàng đi giới thiệu ngoài tỉnh vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào chủ thể sản phẩm có muốn ký gửi hàng để tham gia các chuỗi tiêu thụ này hay không. Do đó, trước mắt mới chỉ có một số sản phẩm chủ lực được tham gia ký gửi như: nghệ, mật ong, hồ tiêu, cà phê, măng khô…

Thiết lập kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm

Theo ông Phạm Văn Binh, đến nay, Sở Công thương đã kết nối với đơn vị cùng cấp ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để từng bước đưa hàng nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của Gia Lai vào các kênh phân phối lớn tại đây. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tập đoàn phân phối nước ngoài tại Việt Nam như: Aeon, Big C, Lotte để đưa hàng hóa vào giới thiệu trong hệ thống siêu thị của họ. “Thông qua việc kết nối tiêu thụ sẽ kích thích các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chủ động thay đổi, hoàn thiện về mẫu mã, bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh”-ông Binh nói.

Ông Trần Văn Trong-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai-thông tin: “Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai đang xúc tiến xây dựng một điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp của thành viên. Hợp tác xã được thành lập trên nền tảng Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai. Do đó, việc xây dựng một điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng hay sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP sẽ là tín hiệu tích cực để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp nông nghiệp của tỉnh phát triển và đi vào chiều sâu”.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: Việc hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh sẽ mở ra cơ hội để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Cùng với đó, cần tăng cường sự giao lưu các sản phẩm OCOP của tỉnh với các địa phương trong cả nước, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, hình thành và tiến đến kết nối với mạng lưới OCOP toàn cầu, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.