"Nóng" thị trường khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn nhằm xử lý kịp thời các vi phạm, ổn định thị trường, góp phần phòng-chống dịch Covid-19.
 


Nhu cầu thị trường khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn đang “nóng” lên từng ngày kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và lây lan ra một số địa phương trong cả nước. Tại nhiều cửa hàng bán thuốc Tây ở TP. Pleiku, lượng khách hàng đến hỏi mua khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn tăng đột biến. Tuy nhiên, nhiều nơi đã treo biển hết hàng. Anh Nguyễn Thế Nhân (hẻm 22 Ký Con, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: Khi đến các tiệm thuốc Tây gần nhà hỏi mua khẩu trang y tế thì họ đều nói hết hàng. Khi anh tìm đến một số người bán trên mạng xã hội thì được biết là nguồn hàng rất phong phú nhưng mỗi nơi một giá bán. “Vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố cũng như Gia Lai đã phát hiện một lượng lớn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, trôi nổi, chất lượng không đúng với tiêu chuẩn công bố ghi trên nhãn, khẩu trang nhái nhãn hiệu… đã khiến người tiêu dùng lo lắng về chất lượng mặt hàng này”-anh Nhân nói.

 Lực lượng Quản lý Thị trường thu giữ toàn bộ số khẩu trang y tế vi phạm của Công ty TNHH một thành viên Phú Hào Mai Anh (65/46 Lê Thị Riêng, TP. Pleiku). Ảnh: V.T
Lực lượng Quản lý Thị trường thu giữ toàn bộ số khẩu trang y tế vi phạm của Công ty TNHH một thành viên Phú Hào Mai Anh (65/46 Lê Thị Riêng, TP. Pleiku). Ảnh: V.T


Nắm bắt nhu cầu của người dân khi khẩu trang y tế khan hiếm, nhiều cửa hàng đã điều chỉnh tăng giá bán đối với các loại khẩu trang vải thông thường, khẩu trang vải kháng khuẩn. Bình thường, giá khẩu trang vải chỉ 8-12 ngàn đồng/chiếc, nay tăng lên 10-15 ngàn đồng/chiếc; còn khẩu trang vải kháng khuẩn (loại tái sử dụng, giặt được 30 lần) đã tăng từ 20-25 ngàn đồng/chiếc lên 25-30 ngàn đồng/chiếc. Theo lý giải của người bán, do giá nhập vào tăng nên giá bán lẻ cũng tăng.

Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục QLTT tỉnh-cho biết: “Qua nắm tình hình nguồn cung-cầu khẩu trang trên địa bàn cho thấy, không chỉ khẩu trang y tế mà khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường cũng được người dân tìm mua rất nhiều. Trên thực tế, tại nhiều điểm bán thuốc Tây hiện đã treo bảng tạm thời hết khẩu trang y tế. Thực trạng này là đúng, bởi qua kiểm tra cho thấy trước đó các điểm bán không nhập số lượng lớn về nên khi dịch bùng phát trở lại thì đã nhanh chóng tiêu thụ hết số hàng còn trong kho. Do vậy, khẩu trang y tế trên thị trường đang trong tình trạng khan hiếm”.

Qua điều tra, nắm bắt tình hình, lực lượng QLTT đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về tình hình dịch bệnh để tuồn khẩu trang không rõ nguồn gốc ra thị trường nhằm trục lợi bất chính. Điển hình như ngày 29-7, Đội QLTT số 12 đã kiểm tra xe ô tô tải BKS 29H-336.04 do ông Lương Văn Diệu điều khiển đang dừng bỏ hàng tại đường Trường Chinh (TP. Pleiku). Qua đó, Đội phát hiện trên xe có 17.500 chiếc khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Đội QLTT số 12 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên chờ xác minh, xử lý theo quy định.

Khẩu trang vải kháng khuẩn được người tiêu dùng tìm mua rất nhiều . Ảnh: Vũ Thảo
Khẩu trang vải kháng khuẩn được người tiêu dùng tìm mua rất nhiều. Ảnh: Vũ Thảo


Sau đó 1 ngày, vào chiều 30-7, Đội QLTT số 1 đã phát hiện một cơ sở sản xuất khẩu trang không đúng quy định. Ông Phạm Trí Thức-Đội trưởng Đội QLTT số 1-cho biết: “Đội đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH một thành viên Phú Hào Mai Anh (65/46 Lê Thị Riêng, TP. Pleiku). Qua kiểm tra, Đội phát hiện cơ sở này có 99 hộp khẩu trang mang nhãn hiệu Mai Anh vi phạm các quy định như kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và các thông tin không đúng bản chất hàng hóa đó; sản xuất thiết bị y tế không có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Đội đã tịch thu toàn bộ số khẩu trang nói trên. Đến ngày 3-8, Cục trưởng Cục QLTT đã ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH một thành viên Phú Hào Mai Anh 71,6 triệu đồng”. Được biết, doanh nghiệp này bắt đầu sản xuất khẩu trang từ đầu tháng 6-2020 với công suất đạt 150 hộp/ngày, giá xuất bán theo hóa đơn là 27.500 đồng/hộp.

Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, trinh sát nắm địa bàn đối với vật tư, trang-thiết bị y tế, trong đó tập trung vào mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nhãn mác, chất lượng hàng hóa, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về giá bán, đầu cơ, găm hàng trục lợi.

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.