Gạo xuất khẩu tăng giá: đừng vui quá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thường gạo Việt Nam được định giá thấp hơn so với gạo Thái bởi chất lượng và uy tín thương mại. Nay giá gạo Việt vượt lên, có nhiều ý kiến cho rằng nên vui thôi, đừng vui quá và còn nhiều điều cần nghĩ tới.

 Gạo được chuyển lên tàu ở miền Tây chuẩn bị đem đi xuất khẩu - Ảnh: B.ĐẤU
Gạo được chuyển lên tàu ở miền Tây chuẩn bị đem đi xuất khẩu - Ảnh: B.ĐẤU


Sau khi bán giá thấp hơn giá gạo Thái Lan khoảng 50 USD/tấn vào đầu năm, giá gạo Việt Nam đã dần thu hẹp khoảng cách và lần vượt qua giá gạo Thái vào nửa đầu tháng 8-2020.

Có thể là chiến lược của người Thái?

Nhiều chuyên gia cảnh báo, giá gạo Việt Nam hiện nay cao hơn gạo Thái Lan khoảng 10 USD/tấn chỉ là ngắn hạn và cần lo lắng nhiều hơn là mừng vui quá mức.

Đây không phải là lần đầu tiên giá gạo của Việt Nam cao hơn gạo của Thái Lan, Ấn Độ. Việc giá bán tính theo tuần hay theo tháng cao hơn các quốc gia cạnh tranh chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài nhiều hơn là do chất lượng gạo của Việt Nam. Và thông thường sau khi giá lên cao hơn gạo Thái thì chúng ta thường bước vào giai đoạn khó bán hơn so với trước.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường gạo nhiều năm qua, cho rằng người mua trên thế giới ai cũng biết gạo Thái Lan là gạo lúa mùa, tới 6 tháng/vụ trong khi lúa ở Việt Nam là 3 tháng/vụ. Do đó, gạo Thái được đánh giá cao hơn về chất lượng so với gạo Việt Nam nếu cùng chủng loại.

"Gạo ngon bán giá thấp hơn thì người mua sẽ chọn bên nào? Nếu gạo Thái Lan giá thấp hơn gạo Việt Nam đương nhiên là khách hàng sẽ bỏ gạo Việt Nam để chuyển sang gạo Thái. Đây là chiến lược để bán gạo của Thái Lan khi họ tính toán việc phải bán nhiều gạo hơn và chấp nhận giảm giá xuống. Việt Nam không cẩn thận sẽ khó kiếm được hợp đồng trong các tháng cuối năm", ông Bích cảnh báo.

Theo ông Bích, cách đây hơn một tháng Malaysia đã quay sang Ấn Độ nhập khẩu hơn 100.000 tấn dù việc vận chuyển và chi phí vận chuyển từ Ấn Độ về Malaysia là cao hơn nhiều so với Việt Nam. Gạo của Việt Nam khi đó cao hơn gạo Ấn Độ gần 100 USD/tấn.

Việt Nam cần theo dõi sát

Một chuyên gia nghiên cứu thị trường lúa gạo (đề nghị không nêu tên) cho rằng nhìn cách định giá gạo của Thái Lan từ đầu năm đến nay cho thấy họ chủ động và có chiến lược.

Tháng 1-2020, gạo 5% tấm của họ khoảng 420 USD/tấn, cao hơn 50 USD/tấn so với gạo Việt Nam.

Khi Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu, gạo 5% tấm Thái Lan tăng đột biến, lên 550 USD/tấn. Tháng 6, Thái Lan bắt đầu giảm giá gạo và tới tháng 8 thì gạo Thái Lan đã thấp hơn gạo Việt Nam.

"Thái Lan đã tranh thủ xuất được gạo giá cao trong những tháng đầu năm, sau đó họ đánh giá nhiều nước nhập khẩu đã tăng mua dự trữ vì lo ngại COVID-19 nên sẽ giảm mua vào cuối năm. Họ cũng chứng kiến lượng xuất khẩu trong sáu tháng thấp nhất trong 20 năm qua. Giá gạo Thái giảm thấp hơn gạo Việt Nam là chiến lược của họ, Việt Nam cần lưu tâm", vị chuyên gia này nêu quan điểm.

Các chuyên gia cũng cho rằng lý do gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái là do gạo ST24 của Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, và tác động của EVFTA cũng không rõ ràng và có thể là sự trùng hợp. Gạo ST24 của Việt Nam chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong gạo xuất khẩu.

EU cũng chỉ cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm, chỉ hơn 1% lượng gạo của Việt Nam hằng năm là không đáng kể để tăng giá.

Vì vậy, vẫn tranh thủ bán giá cao hiện nay, nhưng ngành gạo Việt Nam cần theo sát nhu cầu và diễn biến thương mại gạo thế giới để điều chỉnh hợp lý. Điều này tốt hơn là chủ quan chỉ cho rằng gạo Việt tăng giá là do chúng ta đã làm tốt hơn Thái Lan về giống và chất lượng.

 


Giá cao nhất

Giá gạo chào bán (tham khảo) của Việt Nam hiện nay là 485 USD/tấn (loại 5% tấm) trong khi gạo cùng loại của Thái là 475 USD/tấn. Việc vượt qua giá gạo của Thái Lan cũng giúp giá gạo của Việt Nam cao hơn các quốc gia cạnh tranh khác như Ấn Độ (đang bán 380 USD/tấn, 5% tấm), Myanmar (450 USD/tấn, 5% tấm)... Giá gạo phân loại theo phẩm cấp (% tấm) của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu gạo.

Theo TRẦN MẠNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.