"Phủ sóng" hàng Việt qua nhiều kênh phân phối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thúc đẩy các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tạo lập được kênh phân phối, bán lẻ rộng khắp, góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.
Khẳng định chất lượng hàng Việt
Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: “Hệ thống Saigon Co.op nói chung và Co.op Mart Pleiku nói riêng rất tự hào là doanh nghiệp bán lẻ đầu tiên của cả nước đưa hàng Việt vào trong siêu thị với tỷ trọng chiếm trên 90%. Hiện nay, các nhà cung cấp lớn đều đồng hành với hệ thống Saigon Co.op đưa những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đa dạng cùng các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng. Hàng năm, đơn vị còn tổ chức nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó cũng góp phần nâng cao nhận thức và tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm Việt chất lượng cao, giá cả phải chăng”.
Hàng Việt chiếm hơn 90% trong tổng số khoảng 60.000 mặt hàng đang bày bán tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: V.T
Hàng Việt chiếm hơn 90% trong tổng số khoảng 60.000 mặt hàng đang bày bán tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Vũ Thảo
Không riêng gì Siêu thị Co.op Mart Pleiku, hiện nay, hệ thống các siêu thị trên địa bàn như VinMart, VinMart+ cũng đang triển khai rất mạnh các chương trình ưu đãi giảm giá sâu đối với hàng Việt ở tất cả các ngành hàng từ thực phẩm, gia dụng, may mặc cho đến hàng tiêu dùng với mức giảm lên đến 50%. Không những thế, hàng Việt đã phủ sóng khắp nơi, từ cửa hàng nhỏ đến các chợ.
Anh Nguyễn Đăng Vạn-chủ cửa hàng Lê Vy (đường Lê Lợi, TP. Pleiku) cho hay: “Các nhà phân phối đi chào hàng Việt ngày một nhiều và cửa hàng cũng đã dành một số vị trí thuận lợi để trưng bày hàng Việt. Hiện nay, hàng Việt ngày càng đa dạng, phong phú chủng loại, mẫu mã bắt mắt, tiêu chuẩn chất lượng được kiểm chứng, giá cả hợp lý là những tiêu chí đã và đang được các nhà sản xuất đáp ứng nhằm tạo vị thế của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng”.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa trong tỉnh đã thiết lập đội xe thường xuyên chở hàng đến với các chợ và cửa hàng bán lẻ ở vùng sâu, vùng xa. Chị Lê Thị Hiền (xã Al Bá, huyện Chư Sê) chia sẻ: Trước đây, muốn tìm đến những sản phẩm chất lượng sản xuất trong nước thì người tiêu dùng ở nông thôn phải vượt quãng đường xa về các cửa hàng, siêu thị lớn ở thành phố mới có và phải chấp nhận giá cao. Còn bây giờ, hàng sản xuất trong nước đã được phân phối đến vùng sâu, vùng xa.
“Không những vậy, hàng Việt trên thị trường giờ đây không chỉ có hàng gia dụng, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, hàng may mặc mà những mặt hàng có giá trị lớn cũng được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng, không hề thua kém hàng nhập khẩu đắt tiền”-chị Hiền nói.
Mở rộng thị trường
Quyết định số 634 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 đã thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển bền vững, với năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh ngày được nâng cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa thiết yếu đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường. Đến nay, Gia Lai đã tổ chức một số hội nghị kết nối cung-cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp trên toàn quốc.
Hiện nay, trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hiểu rõ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị đạt trên 90%. Ảnh: V.T
Hiện nay, trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hiểu rõ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị đạt trên 90%. Ảnh: Vũ Thảo
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Công tác xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu… đã góp phần đưa hàng Việt có cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng ở các vùng nông thôn, miền núi. Qua đó, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước nói chung và Gia Lai nói riêng đã xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng, có chỗ đứng trên thị trường. Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường qua nhiều kênh phân phối và bán lẻ sẽ là cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp”.  
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, hiện nay, trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hiểu rõ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị đạt trên 90%. Bên cạnh đó, thị phần hàng Việt Nam thông qua các kênh phân phối, bán lẻ các phương tiện vận tải của doanh nghiệp đưa về nông thôn, các cửa hàng, chợ nông thôn cũng khá lớn… Phấn đấu đến hết năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối ở khu vực này chiếm trên 80%.
Tuy nhiên, ông Binh cũng chia sẻ: “Hầu hết các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mạng lưới bán lẻ chưa bao phủ rộng khắp thị trường, cộng với sự hợp tác giữa cơ quan chủ quản đề án với các đối tượng được thụ hưởng của đề án chưa được chặt chẽ nên làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thực hiện đề án. Hơn nữa, hàng tiêu dùng thiết yếu chưa được sản xuất nhiều tại địa phương, chủ yếu các doanh nghiệp nhận nguồn hàng từ các tỉnh bạn nên còn có sự chênh lệch về cung-cầu”.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.