Hội nghị trực tuyến về chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 22-7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Trịnh Đình Dũng-Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu-Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Năng lượng là ngành giữ vai trò trọng yếu và tiên phong, quyết định tăng trưởng kinh tế mỗi quốc gia. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển năng lượng. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, phải xác định rõ nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, kiến nghị đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện phát triển ngành năng lượng. Kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, kể cả các dự án truyền tải điện. Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Nghị quyết số 55 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.

Một điểm nhấn trong Nghị quyết số 55 là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển năng lượng. Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng.

Trong khuôn khổ phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, các đại biểu được nghe 4 tham luận tại hội nghị trực tuyến và dự 4 hội thảo chuyên đề. Từ các hoạt động của Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020, Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu, chắt lọc để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề trọng tâm cần xử lý sớm nhằm góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết số 55-NQ/TW đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, 5 bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi giữa các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Thừa Thiên-Huế, ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu chế tạo trong nước với tổng giá trị dự kiến của các dự án khoảng trên 20 tỷ USD cũng được ký kết tại hội nghị lần này.


HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.