Điện gió: Cẩn trọng vỡ quy hoạch!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với gần 12.000 MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch, khó tránh nỗi lo vỡ quy hoạch và thiếu lưới truyền tải
Thủ tướng Chính phủ trong Văn bản số 693 ngày 9-6 đã đồng ý bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực theo đề nghị trước đó của Bộ Công Thương với lý do nhiều nguồn điện than đang bị chậm tiến độ.
Cụ thể, theo tính toán nhu cầu của Bộ Công Thương, đến năm 2025, nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch ở phương án cao là 11.630 MW, chiếm đến 20% tổng nguồn điện cả nước. Tức là ngoài 4.800 MW đã được bổ sung quy hoạch thì có thêm khoảng 7.000 MW dự án mới được tiếp tục bổ sung.
Bộ Công Thương khi kiến nghị bổ sung dự án cũng đã đề xuất hàng loạt dự án truyền tải điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện để đồng bộ giải tỏa công suất điện gió. Tuy vậy, trên thực tế, triển khai lưới điện mất khá nhiều thời gian nên không dễ chạy kịp tiến độ của các dự án điện gió tư nhân, kéo theo việc dự án năng lượng tái tạo được triển khai ồ ạt nhưng thiếu lưới truyền tải có nguy cơ tái diễn như điện mặt trời cách đây không lâu.
Nguồn điện gió dự kiến phát triển bằng 20% tổng nguồn điện, gây lo ngại tái diễn tình trạng thiếu lưới truyền tải .Ảnh: NGUYỄN HẢI
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, nêu đặc điểm của các dự án điện gió là suất đầu tư lớn, khoảng 1,8-2 triệu USD/MW đối với dự án sử dụng thiết bị nguồn gốc châu Âu, cao gấp đôi suất đầu tư dự án điện mặt trời. Do vậy, rủi ro của các dự án điện gió cũng cao hơn nhiều so với các nguồn khác. "Nếu đưa vào lượng công suất điện gió quá lớn mà không có lưới để giải tỏa hết công suất thì gây thiệt hại lớn với nhà đầu tư và cả xã hội, đặc biệt là ngân hàng không thu hồi được nợ nếu dự án chết lâm sàng" - ông Thịnh nói và đề nghị có lộ trình đưa dự án điện gió vào quy hoạch phù hợp với lộ trình xây dựng lưới.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), con số gần 12.000 MW điện là rất lớn so với tổng nguồn điện quốc gia. Khi bổ sung vào quy hoạch lượng công suất lớn như vậy, ông Sơn băn khoăn khả năng việc nhà nước "bơm" tiền xây dựng các dự án lưới điện tương ứng trong bối cảnh lĩnh vực này vẫn chưa được tư nhân hóa. 
"Ở nhiều quốc gia, nguồn năng lượng tái tạo được xây dựng để thay thế cho nguồn thiếu hụt và phải nhập khẩu. Do đó, dự án năng lượng tái tạo được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tại chỗ. Còn ở Việt Nam, các dự án điện mặt trời và điện gió được xây dựng ở những khu vực đáp ứng điều kiện tự nhiên, đất đai nhưng lại không có nhu cầu sử dụng lớn. Ngược lại, khu vực có nhu cầu điện lớn lại không thể làm điện gió, điện mặt trời. Điều này dẫn đến quá tải cục bộ trên lưới và rất khó xử lý. Nếu không có quy hoạch hợp lý về lưới điện thì giá trị của nguồn điện gió sẽ không được khai thác hiệu quả" - ông Sơn phân tích.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cũng lưu ý cơ quan quản lý cần tiến hành đánh giá tổng thể thực trạng nguồn điện, mức độ phân bổ… để phê duyệt dự án hợp lý. Đặc biệt, tránh tình trạng bổ sung quy hoạch theo ý chí của cá nhân, địa phương theo hình thức "đặt gạch", khiến cho quy hoạch bị phá vỡ.
Liệu tránh được "vết xe đổ"?
Ông Hà Đăng Sơn cho rằng xây dựng đường dây tải điện phục vụ nối lưới cho điện gió có nhiều thuận lợi hơn điện mặt trời. Nguyên nhân là bởi dự án điện mặt trời chỉ mất 4-6 tháng để hoàn thiện sau khi được vào quy hoạch nên tốc độ xây dựng lưới truyền dẫn không thể theo kịp tốc độ đưa dự án vào vận hành. Trong khi đó, dự án điện gió có thời gian xây dựng khá lâu, gồm ít nhất 6 tháng đo đạc lưu lượng gió, 6-9 tháng đặt hàng tua-bin gió từ nước ngoài, 3 tháng vận hành tua-bin đến nơi xây dựng... Do vậy, sẽ có thời gian hợp lý để xây dựng đường dây truyền tải kịp tiến độ đưa dự án vào vận hành. Ngoài ra, phát điện gió ít bị ngắt quãng hơn điện mặt trời (ngừng vào ban đêm) nên đầu tư lưới cho điện gió hiệu quả hơn, có khả năng được quan tâm đầu tư hơn.

Phương Nhung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm