Bỏ tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang: Sẽ không còn hoá đơn điện tăng vọt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo nhiều chuyên gia, việc tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay đã "lỗi thời". Việc điều chỉnh biểu giá điện có thể sẽ khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong những tháng đổi mùa.
 


Giá điện luỹ tiến 6 bậc thang đã "lỗi thời"?

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, việc tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang là một trong những nguyên nhân khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt, gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua.

GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng – hiện nay, việc tính giá điện bậc thang không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng. Việc tính giá điện theo bậc thang với mục đích giúp người dân hạn chế sử dụng điện quá mức – vừa ảnh hưởng đến “túi tiền” người sử dụng, vừa lãnh phí tài nguyên.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng thời gian tới, khi thị trường điện lực phát triển, áp dụng thành công thị trường bán lẻ điện theo hướng cạnh tranh, thì việc áp dụng biểu giá điện bậc thang sẽ bộc lộ nhiều bất cập.

Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh), trong đó hai bậc đầu là từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, thì sự khác biệt không có nhiều. Số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không lớn. Nếu khách hàng sử dụng lượng điện từ bậc 6 trở lên phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh.

“Những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, khách hàng sử dụng nhiều phương tiện làm mát như điều hoà, máy lạnh, quạt, dẫn đến lượng điện năng sử dụng lớn, lượng điện năng sử dụng lớn thì sẽ từ bậc thang thấp nhảy lên bậc thang cao, như vậy, giá điện sẽ tăng lên rất cao. Do đó, cần cần phải sửa biểu giá điện để phù hợp với thực tiễn”, ông Long cho hay.

Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc xây dựng biểu đồ giá điện phải đảm bảo các nguyên tắc: đảm bảo an sinh xã hội; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm... Chính vì vậy, chúng ta không thể xây dựng biểu đồ giá điện chỉ có 1 bậc mà phải xây dựng luỹ tiến nhiều bậc, để người nào dùng điện nhiều thì sẽ phải trả nhiều tiền.

Trên thế giới, các nước xây dựng biểu đồ giá điện khác nhau, có nơi 3 bậc, có nơi 8 bậc. Song dù xây dựng biểu đồ bao nhiêu bậc thì cũng cần đảm bảo doanh số bán điện chia cho sản lượng điện phải bằng giá điện bình quân. Hiện nay, giá điện bình quân của Việt Nam đang là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), giá này đã được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20.3.2019.

Thay đổi biểu giá điện 5 bậc, hoá đơn tiền điện sẽ giảm?

Đầu năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, trong đó Bộ này đưa ra nhiều kịch bản thay đổi biểu giá bậc thang điện sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt nhằm điều chỉnh cơ cấu phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng sử dụng điện, không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt.

Nói về các phương án điều chỉnh, ông Tuấn cho rằng, tất cả các phương án nêu trên đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với qui định hiện hành gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.

Trong đó Bộ nghiêng về 2 phương án 5 bậc vì cho rằng các khách hàng sử dụng điện dưới 700kWh/tháng đều sẽ trả thấp hơn, chỉ có các khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700kWh/tháng sẽ bị thiệt.

Các biểu giá điện nêu trên đảm bảo nguyên tắc hiệu quả sản xuất kinh doanh; thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, để tránh tình trạng hoá đơn tiền điện tăng sốc trong thời điểm nắng nóng thì biểu giá điện sinh hoạt mới cần xem xét mức giá phù hợp. Đối với các bậc mà đa số khách hàng dùng điện rơi vào thì không để giá thấp hơn nhưng cũng không nên để quá cao so với mức giá bán lẻ bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh.

https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/bo-tinh-gia-dien-luy-tien-6-bac-thang-se-khong-con-hoa-don-dien-tang-vot-814506.ldo
 

Theo Phạm Dung- Cường Ngô (LĐO)

Có thể bạn quan tâm