Động lực phát triển điện mặt trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 22-5 tới đây, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Những quy định trong quyết định này được xem là cơ hội để các doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển điện mặt trời.

 

Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg quy định rõ giá mua điện với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mái nhà. Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 UScent/kWh; giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScent/kWh; giá mua điện mặt trời mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 UScent/kWh. Giá này áp dụng trong 20 năm đối với các dự án hoặc một phần dự án vận hành thương mại từ ngày 1-7-2019 đến 31-12-2020.

  Ngành điện hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: H.D
Ngành điện hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ảnh: H.D



Sau hơn 9 tháng tồn tại “khoảng trống” về chính sách giá điện mặt trời, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13 đã đáp ứng mong mỏi của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Đối với các doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị điện mặt trời mái nhà như Công ty TNHH Thanh Phong (75 Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring, TP. Pleiku), quyết định này cũng có tác dụng gỡ khó. Ông Lê Tuấn Thành-Giám đốc Công ty-cho biết: “Kể từ ngày 30-6-2019 đến nay, giá bán điện mặt trời bị bỏ ngỏ khiến thị trường thiết bị này gần như chững lại, ảnh hưởng rất lớn tới doanh số của Công ty. Nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp và chủ đầu tư đắn đo trong việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà vì không biết tới khi nào mới có giá bán điện chính thức. Khi Quyết định số 13 được ban hành, hy vọng thị trường này sẽ “ấm” lên lại”.

So với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện quy định tại Quyết định số 13 thấp hơn gần 1 UScent/kWh. Điều này khiến các chủ đầu tư có dự án đi vào hoạt động trước thời điểm 30-6-2019 khá hài lòng. Ông Nguyễn Thanh Hồng-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai (Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku) bày tỏ: “Nhà máy sản xuất gạch-ngói không nung Tiến Minh Gia Lai khánh thành công trình điện mặt trời áp mái công suất 312 KWp, được coi là lớn nhất tại Gia Lai với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng vào ngày 16-6-2019 và đã ký hợp đồng bán điện với Tổng Công ty Điện lực miền Trung trong thời hạn 20 năm, giá bán là 9,35 UScents/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh. Bây giờ giá bán có thấp hơn một chút nhưng tôi nghĩ các chủ đầu tư không bị ảnh hưởng nhiều. Đầu tư vào năng lượng mặt trời là mảng rất tiềm năng, nhanh thu hồi vốn và khả năng sinh lợi lớn”.

Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ rõ ràng đã mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời. Tuy nhiên, giá mua điện theo quyết định này chỉ áp dụng đối với các dự án hoặc một phần dự án vận hành thương mại từ ngày 1-7-2019 đến 31-12-2020. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư chỉ còn trên 7 tháng triển khai các thủ tục đầu tư và xây dựng các dự án để được hưởng giá bán điện cố định trong suốt 20 năm tới. Một số người cho rằng, dù ngắn nhưng khoảng thời gian này vẫn khả thi vì lắp đặt điện mặt trời khá nhanh. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ nên gia hạn thêm thời gian áp dụng giá cho điện mặt trời mái nhà để thúc đẩy phát triển thị trường này tại Việt Nam. “Bởi trong bối cảnh dịch bệnh đang ảnh hưởng toàn cầu như hiện nay, việc huy động nguồn lực để triển khai thi công lắp đặt ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, trong khi thời gian có hiệu lực để hưởng giá bán điện theo Quyết định số 13 còn quá ít”-Giám đốc Công ty TNHH Thanh Phong cho hay.

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.