Yêu cầu các tỉnh mở các điểm bán hàng dã chiến phục vụ người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương vừa có Công văn yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh mở các điểm bán hàng mới (tạm thời, dã chiến...) để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, bảo đảm giãn cách xã hội.

 

Theo Vụ Thị trường trong nước, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27.3 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, để bảo đảm cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh thành phố: Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động.

Đồng thời tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).

​Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới (các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến…) để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân.

Việc tổ chức các điểm bán hàng mới được thực hiện trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh, hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm.


 

 Các điểm bán hàng dã chiến phục vụ người dân.
Các điểm bán hàng dã chiến phục vụ người dân.



​Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm vừa bảo đảm cung ứng liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh.

Hiện tại, để phục vụ nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu của người dân, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ gấp 3 lần đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Doanh nghiệp cũng sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng đẩy mạnh các hình thức bán hàng online.

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện truyền thông Tập đoàn Masan cho biết, trước những diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Masan tăng cường các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng.

Chỉ đạo Công ty VinCommerce - công ty con của tập đoàn Masan kết hợp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc đảm bảo cung cấp đầu đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân tại 63 tỉnh thành thông qua hệ thống hơn 3000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+.

Theo số liệu MM cung cấp cho Lao Động, hiện tại, số lượng dự trữ gạo của siêu thị này lên tới 500 tấn. Bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho hay: Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi tiếp tục làm việc với nhà cung cấp trên toàn quốc, nông dân tại nhiều địa phương ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long... đảm bảo dự trữ đủ gạo và một số hàng thiết yếu trên toàn hệ thống.

https://laodong.vn/kinh-te/yeu-cau-cac-tinh-mo-cac-diem-ban-hang-da-chien-phuc-vu-nguoi-dan-795953.ldo

Theo Cường Ngô  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

‘Bão’ giá cà phê

‘Bão’ giá cà phê

Ngày thứ 2 liên tiếp, các sàn giao dịch cà phê thế giới tăng giá đến 3 con số. Giá cà phê nội địa cũng tăng lên mức cao chót vót, càng khiến nhiều người phân vân không biết nên bán hay tiếp tục giữ hàng.