Thịt heo vẫn "neo" ở mức giá rất cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ phải đưa giá heo hơi về mức 70 ngàn đồng/kg từ 1-4 và tiếp tục giảm dần trong quý II, quý III-2020, nhưng qua khảo sát, giá heo thịt bán trên thị trường TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai vẫn đang "neo" ở mức cao. Trong khi đó, giá bán thịt heo tại mỗi chợ, siêu thị cũng khác nhau, có sự chênh lệch 10-20 ngàn đồng/kg.
Giá bán lẻ chênh nhau 10-15 ngàn đồng/kg!
Giá heo bán tại các chợ đang dao động từ 120-160 ngàn đồng/kg tùy loại. Ảnh: Vũ Thảo
Giá heo bán tại các chợ đang dao động từ 120-160 ngàn đồng/kg tùy loại. Ảnh: Vũ Thảo
3 ngày qua, giá heo hơi tại các trang trại heo trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất chuồng ở mức 70 ngàn đồng/kg, trong khi giá bán heo thịt tại các chợ phổ biến 110-160 ngàn đồng/kg tùy loại, như ba chỉ 130-140 ngàn đồng/kg, sườn non 140-160 ngàn đồng/kg, thịt nạc 120-140 ngàn đồng/kg, xương đuôi 100-120 ngàn đồng/kg… Chị Nguyễn Thị Hà (tiểu thương chợ Phù Đổng, TP. Pleiku) cho biết, giá heo tăng từ thời điểm dịch tả heo châu Phi, đến đầu tháng 4 tiếp tục tăng thêm. Thịt nhập từ lò mổ đã 100 ngàn đồng/kg heo móc hàm, còn với heo lẻ (heo chọn từng miếng) giá cũng thấp hơn giá bán lẻ ngoài chợ khoảng 10 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới giờ đối với thịt heo. "Tôi nhập 9 bán 10, ăn đồng lời thôi chứ giá là họ quyết định mà. Cũng hy vọng giá giảm xuống chứ trong thời buổi khó khăn như thế này mà giá hàng hóa cứ leo thang thì buôn bán cũng khó, rồi chỉ khổ người dân"-chị Hà bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Tơ-tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm thương mại Pleiku cho biết, không riêng gì bà mà nhiều quầy thịt ở đây đang rơi vào cảnh vắng khách. Theo bà Tơ, từ ngày 1-4, thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội nên người dân cũng ngại ra đường, do đó chợ vắng hơn bình thường. Cùng với đó, tình hình bây giờ dân không có việc làm nên không có thu nhập thì lấy gì mua sắm. Bên cạnh đó, tiêu thụ thịt heo chỉ tăng đột biến trong 2 ngày cuối tuần vừa qua chứ giờ người dân đã ổn định tâm lý, không còn tích trữ hàng hóa nhiều nữa.
Giá thịt heo tại Siêu thị Co.opmart Pleiku rẻ hơn từ 10-15 nghìn đồng/1kg so với bên ngoài. Ảnh: Vũ Thảo
Giá thịt heo tại Siêu thị Co.opmart Pleiku rẻ hơn từ 10-20 nghìn đồng/1kg so với bên ngoài. Ảnh: Vũ Thảo
Trong khi đó, tại nhiều chợ, giá bán lại có sự chênh lệch đáng kể. Qua khảo giá cho thấy, giá bán lẻ tại Trung tâm thương mại Pleiku thấp hơn 10-20 ngàn đồng/kg so với các chợ khác trên địa bàn, cụ thể thịt  ba chỉ bán giá 130 ngàn đồng/kg, còn các chợ Hoa Lư, Phù Đổng, Bà Định bán đến 140-150 ngàn đồng/kg; sườn non 140 ngàn đồng, những nơi khác bán 150-160 ngàn đồng… Lý giải việc mỗi nơi bán một giá khác nhau, bà Nguyễn Thị Huệ (tiểu thương Trung tâm thương mại Pleiku) cho biết, bình thường thì cũng bán giá như những chợ khác, nhưng nay chợ "đứng hàng", không còn khách sỉ là các hàng ăn nên buộc phải giảm giá để dân người ta mua, nên giá sẽ rẻ hơn.
Giá heo bị tác động bởi qua nhiều khâu trung gian
Có một thực tế, việc tiêu thụ heo qua nhiều khâu trung gian, từ người chăn nuôi đến thương lái, lò giết mổ, các đầu mối lớn sau đó mới đến chợ và người tiêu dùng nên giá đã có sự chênh lệch ở từng khâu. Cụ thể, giá heo hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi heo lớn trên địa bàn hiện là 70 ngàn đồng/kg, trong khi đó giá đến tay người tiêu dùng đã lên đến 120-160 ngàn đồng/kg tùy loại. Ông Vũ Hải Nam-chủ trang trại nuôi heo (làng Ring, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cho biết: Giá heo hơi tăng cao là do "đồn thổi" từ thương lái buôn heo, chứ thực tế trại của ông chỉ xuất chuồng duy nhất 1 lứa được giá 86 ngàn đồng/kg từ cách đây mấy tuần, còn lại chỉ được 75 ngàn đồng/kg trở lại từ cách đây 10 ngày. "Hiện giá heo hơi trên thị trường Gia Lai đang ở mức dao động 70 ngàn đồng/kg. Không có chuyện trang trại nuôi của dân mà xuất được giá cao trên 75 ngàn đồng/kg như người ta nghĩ"-ông Nam nói.
Lượng thịt heo tại các chợ và siêu thị rất dồi dào, nhưng giá vẫn còn
Lượng thịt heo tại các chợ và siêu thị rất dồi dào, nhưng giá vẫn còn "neo" ở mức rất cao. Ảnh: Vũ Thảo
Theo ông Nguyễn Văn Hưng (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), giá heo hơi xuất chuồng hiện đã về mức 70 ngàn đồng/kg. Nếu với mức giá 65 ngàn đồng/kg thì người nuôi huề vốn, còn 70 ngàn đồng/kg mới mong có lãi. Bởi hiện nay giá heo giống rất cao, nếu cuối năm ngoái giá chỉ 1,9-2 triệu đồng/con 10 kg thì nay đã tăng đến 2,7 triệu đồng/con 10 kg. Cùng với heo giống tăng cao, giá thức ăn và văc-xin phòng bệnh cũng trên đà tăng. "Rõ ràng, qua biết bao khâu trung gian nên giá thịt heo mới nằm ở mức cao như vậy, chứ thực tế người nuôi đâu có lãi nhiều trong thời điểm giá đầu vào quá cao như vậy"-ông Hưng phân trần.     
Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, lượng heo bị tiêu hủy lớn khiến tổng đàn đã giảm mạnh, dẫn đến thiếu nguồn cung, làm cho giá thịt heo đứng ở mức cao. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng cường nhập khẩu thịt heo và yêu cầu đưa giá heo hơi về mức 70 ngàn đồng/kg từ ngày 1-4. Hiện tại, theo một số người nuôi, giá heo hơi trên thị trường chỉ dao động hơn 70 ngàn đồng/kg, nhưng giá tại các chợ vẫn 120-160 ngàn đồng/kg tùy loại, chưa có dấu hiệu giảm. Các hộ chăn nuôi thì cho rằng, giá tăng nhưng họ không được hưởng lợi, mà thậm chí còn bị thương lái ép giá. Còn các hộ kinh doanh thì chỉ biết lấy 9 bán 10 (bán ăn chênh lệch đồng lời trong một vài giá). Cuối cùng, qua nhiều khâu trung gian, mỗi khâu tăng lên một vài giá thì thành phẩm đến tay người tiêu dùng đã bị đẩy lên rất nhiều.
                                                                                                                   Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.