Gia Lai: Hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu những ngày cách ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội từ 1-4 đến 15-4, sức mua hàng hóa trên thị trường tuy có tăng nhưng không có nhiều biến động. Ghi nhận thực tế cho thấy lượng hàng hóa tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai rất dồi dào, cảnh chen lấn mua hàng thực phẩm dự trữ không còn diễn ra, thay vào đó người dân tính toán mua sắm hợp lý với số lượng đủ dùng.
Hàng dồi dào, sức mua tăng nhẹ
Tại Trung tâm thương mại Pleiku, lượng hàng thực phẩm được các tiểu thương nhập về với số lượng lớn. Tuy nhiên sức mua đã giảm rất nhiều so với thời điểm cuối tuần trước. Bà Nguyễn Thị Tơ-tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm thương mại Pleiku cho biết: "Trái hẳn với dự đoán của nhiều người là chợ và siêu thị sẽ rất đông trong những ngày đầu cách ly, đã quá buổi sáng ngày 2-4, tại nhiều quầy thịt vẫn rơi vào cảnh hàng hóa ê hề, vắng khách". Theo bà Tơ, thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội nên người dân cũng ngại ra đường, do đó chợ vắng hơn bình thường.
Hầu hết người dân không còn tâm lý tích trữ hàng hóa như những đợt trước. Ảnh: Vũ Thảo
Hầu hết người dân không còn tâm lý tích trữ hàng hóa như những đợt trước. Ảnh: Vũ Thảo
Tại chợ Bà Định (TP. Pleiku), sức mua có tăng nhẹ nhưng không đột biến như đợt trước. Quầy thịt heo của chị Nguyễn Thị Nở ngày trước rất đông khách, lượng hàng bán ra mỗi ngày gần cả trăm ký, nhưng nay lượng bán ra giảm đáng kể. "Mối lái của tôi là các quán ăn, nhưng khi hàng ăn đóng cửa thì lượng hàng bán ra giảm đến một nửa. Những người có tâm lý mua dự trữ thực phẩm thì đã mua trước đó rồi, còn những người không có tâm lý mua trữ thì họ chỉ đi chợ hàng ngày".
Việc tích cực thông tin trên các phương tiện truyền thông đã giúp người dân nâng cao nhận thức và hiểu rằng những hoạt động kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn hoạt động bình thường. "Mình không có suy nghĩ là phải mua dự trữ nhiều thực phẩm để trong nhà, bởi chợ, siêu thị vẫn mở cửa, các quầy tạp hóa vẫn phục vụ đầy đủ, đâu để cho người dân bị thiếu hụt gì. Nhà hết gì mình mua đó, không nên ồ ạt chạy theo đám đông hùa nhau mua hàng"-chị Phùng Thị Mỹ Nữ (46 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) nói.
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP. Pleiku trong 2 ngày qua được ghi nhận lượng khách đến có đông hơn trước, song không xảy ra tình trạng quá tải. Chị Nguyễn Thị Thu Thanh-nhân viên cửa hàng Vinmart+ (47 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) cho hay: "So với mấy ngày trước, khách mua đông hơn, sức mua gọi là tăng nhẹ chứ không ồ ạt. Họ chủ yếu mua nhiều các mặt hàng tiêu dùng như phở, mì tôm, gạo, các mặt hàng tươi sống". Còn chị Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng tổ Marketing và Dịch vụ khách hàng Siêu thị Co.op Mart cho biết: "Ngoài đảm bảo lượng hàng cung ứng cho người dân trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, siêu thị còn hướng dẫn khách hàng thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu người cách người 2 mét, bằng cách dán các điểm báo dưới sàn nhà, đồng thời hướng dẫn khách xếp hàng khi vào case tính tiền"-chị Trinh cho biết thêm.
Các Siêu thị tăng cường nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: Vũ Thảo
Các Siêu thị tăng cường nguồn hàng phục vụ người dân mua sắm trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: Vũ Thảo
Xây dựng phương án dự trữ hàng theo từng cấp độ dịch
Để ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã xây dựng kịch bản dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo nhu cầu trong dân, với các nhóm hàng như gạo, thịt heo, trứng, thủy hải sản, rau củ, mì tôm, dầu ăn, khẩu trang, nước sát khuẩn… với lượng hàng hóa dồi dào. Theo đó, lượng hàng dự trữ sẽ tăng theo 5 cấp độ, trong đó đặt trường hợp xấu nhất là cấp độ 5, tổng lượng hàng dự trữ sẽ trên 200 tỷ đồng (tính theo định mức 15 ngày/người). Cùng với đó, Sở Công thương đã yêu cầu 65 doanh nghiệp, cửa hàng đầu mối lớn trên toàn tỉnh tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Hàng hóa tại các chợ dồi dào. Ảnh: Vũ Thảo
Hàng hóa tại các chợ dồi dào. Ảnh: Vũ Thảo
Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương cho biết, thực hiện cách ly toàn xã hội trong 15 ngày từ 1-4 nhưng các chợ, đại lý, siêu thị và các điểm bán hàng lương thực, nhu yếu phẩm, các cửa hàng nhiên liệu như xăng dầu, gas và các Công ty truyền tải phân phối điện vẫn hoạt động bình thường. Vì vậy, người dân không cần phải tập trung mua hàng dự trữ quá nhiều. "Về công tác dự trữ hàng hóa, ngành Công thương đã có phương án xây dựng từ đầu và thường xuyên rà soát, cập nhật. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo các đơn vị đầu mối, siêu thị tăng cường lượng hàng hóa dự trữ. Hiện nay, lượng hàng trong các doanh nghiệp, đại lý lớn, siêu thị và số lượng hàng trong dân cũng như ở Cục dự trữ Quốc gia khu vực Tây Nguyên sẽ đảm bảo hàng phục vụ cho bà con trong hoàn cảnh cách ly toàn xã hội từ 3 tháng trở lên"-ông Lộc thông tin thêm.
Khẳng định công tác dự trữ hàng hóa trên địa bàn đảm bảo ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19, ông Lộc cho biết nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn rất dồi dào, không còn hiện tượng đổ xô đi mua hàng dự trữ làm khan hiếm hàng hóa giả tạo cục bộ. Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp có kế hoạch bán hạn chế những sản phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khi có hiện tượng đột biến, nhằm hạn chế người tiêu dùng đua nhau mua hàng để dự trữ.
                                                                                                          Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.