Gạo Thái Lan một mình một chợ, Việt Nam chốt xuất khẩu gạo vào 6/4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo trong ngắn hạn đã đẩy giá gạo Thái Lan lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua.
Gạo Thái Lan đang "một mình một chợ"
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá gạo xuất khẩu của Thái Lan kéo dài đà tăng trong tháng 3/2020 lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Theo đó, gạo tiêu chuẩn 5% Thái Lan được chào bán ở mức 480 - 505 USD/tấn, tăng so với 460 - 467 USD/tấn đầu tháng.
Nhu cầu trên thị trường thế giới đang tăng cũng đẩy giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong gần 16 tháng quá.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang đắt nhất trong vòng 6 năm qua. Ảnh: I.T
Cụ thể, giá gạo 5% tấm Việt Nam tăng lên 410 USD/tấn, tăng so với 400 USD/tấn đầu tháng. Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung có xu hướng tăng trong tháng 3/2020.
Tại An Giang, giá lúa IR50404 tăng 200 đ/kg lên mức 4.800 đ/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đ/kg lên mức 5.100 đ/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đ/kg lên mức 4.900 đ/kg. Tại Bạc Liêu, lúa Đài Thơm 8 tăng 200 đ/kg lên 5.400 – 5.500 đ/kg; lúa OM 5451 tăng 200 đ/kg lên mức 5.100 – 5.300 đ/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ở mức 5.400 đ/kg; lúa OM 4218 ở mức 5.800 – 6.000 đ/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.000 – 6.200 đ/kg, ổn định trong suốt tháng 3/2020.
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 3 giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm nhẹ khi bị tác động bởi thông tin việc tạm dừng thông quan xuất khẩu gạo. 
Hiện, Thái Lan đang tăng cường tích trữ nên nguồn cung dành cho xuất khẩu không nhiều và đẩy giá gạo Thái Lan xuất khẩu tăng liên tục trong tháng.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,6% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 đạt 493,1 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.
Nhận định về thị trường gạo trong ngắn hạn, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo tăng do tâm lý lo sợ dịch bệnh trên toàn cầu leo thang, thúc đẩy người tiêu dùng các nước tiếp tục tích trữ lương thực. Hạn mặn và nguồn nước tưới tiêu là những yếu tố chi phối thị trường khác, bên cạnh nguyên nhân bệnh dịch. 
Sẽ có phương án xuất khẩu gạo vào ngày 6/4
Xung quanh câu chuyện xuất khẩu gạo của Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nhận định, hiện tại là thời điểm phù hợp để Việt Nam tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo. Nếu không tận dụng tốt thì Việt Nam có nguy cơ sẽ mất thị phần và thậm chí là khách hàng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương có kế hoạch xuất khẩu gạo trong thời gian tới vào ngày 6/4. Ảnh: I.T
“Thời gian qua, nhiều tỉnh trồng lúa của Thái Lan bị mất mùa, sản lượng giảm, cùng với đó tỷ giá đồng bath/USD tăng. Hai yếu tố này đã đẩy giá xuất khẩu gạo của Thái Lan sang các nước (trong đó có Trung Quốc) tăng cao. Đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam để xuất khẩu với giá cao. Nếu Việt Nam tạm dừng xuất khẩu thì Philippines hoặc Indonesia sẽ chen chân để ký hợp đồng với Trung Quốc trước” - ông Xuân phân tích.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập m
Theo đó, Thủ tướng nêu rõ, bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực…
Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên các vùng miền, đặc biệt ở những nơi có tiềm năng, lợi thế, bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo nhằm thao túng giá đối với mặt hàng gạo.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương lấy ý kiến các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Công Thương trước ngày 5/4/2020.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/4/2020, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh Covid - 19.
Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách; nghiên cứu việc mua tăng thêm mức dự trữ nếu cần thiết.
Khánh Nguyên (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.