Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng xuất gạo tẻ, vẫn xuất nếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gạo nếp vẫn xuất bình thường, còn tạm dừng xuất gạo tẻ đến ngày 15-6 vì kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia bị doanh nghiệp bỏ không ký hợp đồng.
 
Bộ Tài chính kiến nghị vẫn xuất gạo nếp, gạo đồ, gạo thơm bình thường, chỉ tạm dừng xuất gạo tẻ đến hết ngày 15-6 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong văn bản 3905 gửi Bộ Công thương để tham gia góp ý cho báo cáo trình Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15-6-2020 để đảm bảo thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia như kế hoạch năm nay là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. 
Thực tế, hiện các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp 178.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm nay nhưng không thực hiện thương thảo hợp đồng như đã cam kết. 
"Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo thấp cấp đến hết ngày 15-6" - Bộ Tài chính cho biết.
Cũng theo Bộ Tài chính, sau khi Tổng cục Dự trữ mua đủ lượng gạo dự trữ được giao trong năm  thì việc xuất khẩu gạo tẻ sẽ điều hành linh hoạt và phù hợp với diễn biến thực tế. Tổng cục Hải quan sẽ giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu đối với các loại gạo. 
Về tình hình mua gạo dự trữ, chiều 9-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Việt Đức, tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ - Bộ Tài chính, cho biết hiện mua gạo dự trữ cực kỳ khó khăn. 
Cơ quan này, theo ông Đức, đã mở thầu 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa từ ngày 12-3, tuy nhiên đến nay mới chỉ mua được 7.700 tấn gạo. 
"Trong số 190.000 tấn gạo mở thầu, doanh nghiệp đã tham gia và trúng thầu 178.000 tấn gạo dự trữ quốc gia. Nhưng đến nay doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng 7.700 tấn gạo tẻ mà không ký tiếp. Với tình hình này cho thấy doanh nghiệp không mặn mà cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia mà còn vi phạm quy định về đấu thầu" - ông Đức nói.  

Trước đó, Thủ tướng giao Bộ Công thương lấy ý kiến các bộ Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.

Trên cơ sở đó, bộ trưởng Bộ Công thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6-4, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh COVID-19.

Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách; nghiên cứu việc mua tăng thêm mức dự trữ nếu cần thiết.

L. Thanh (TTO)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.