Bộ Công Thương kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp, không hạn ngạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho rằng, nếp sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu, không nằm trong danh mục hàng dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất cho xuất khẩu gạo nếp và không tính vào hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 và thời gian tới nếu vẫn còn duy trì xuất khẩu gạo theo hạn ngạch.
Theo đó, trong văn bản của Bộ Công Thương ngày 17/4 do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ký nêu rõ, sản lượng nếp được trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long (chủ yếu là An Giang và Long An) đạt 453.000 tấn. Số liệu của hải quan cho hay tình hình xuất nếp từ năm 2018 là 676.902 tấn và 2019 là 297.405 tấn, và 2 tháng đầu năm 2020 là 72.476 tấn.
Bộ Công Thương cũng đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản của một số cơ quan hữu quan tỉnh Long An, An Giang về vấn đề xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp trở lại. Ảnh: I.T
Bộ Công Thương kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp trở lại. Ảnh: I.T
Ngày 17/4, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; kiến nghị của Công ty TNHH Dương Vũ để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Sau khi có văn bản hỏi ý kiến Bộ NNPTNT ngày 15/4 về việc gạo nếp có trong danh mục dự trữ lương thực quốc gia hay không, Bộ Công Thương cũng đã nhận được văn bản của Bộ NNPTNT kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận, một số thương nhân chỉ xuất khẩu gạo nếp. Đại diện các tỉnh Long An, An Giang cũng đánh giá “người dân trong nước chủ yếu tiêu dùng gạo tẻ, không dùng nhiều gạo nếp cho nhu cầu lương thực hằng ngày và gạo nếp hiện nay được sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu”.
Ngoài ra, trong văn bản gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương cũng viện dẫn lại quy định hàng dự trữ chỉ bao gồm “thóc tẻ, gạo tẻ”. “Có nghĩa là, ngay cả trong tình huống đột xuất, cấp bách phải sử dụng tới biện pháp nêu tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 94/2013 thì thóc nếp, gạo nểp và tấm nếp cũng không thuộc diện huy động vào dự trữ quốc gia” - Bộ Công Thương nêu.
Từ các kiến nghị và diễn giải quy định pháp luật về dự trữ như vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp, bao gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp theo nhu cầu.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị không tính lượng gạo nếp xuất khẩu vào lượng hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 và thời gian tới trong trường hợp tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo theo hạn ngạch.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản số 3083/VPCP-KTTH ngày 17/4/2020 gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và kiến nghị của Công ty TNHH Dương Vũ về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp.
Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20/4/2020, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo sẽ diễn ra vào sáng ngày 20/4/2020.
Bộ Tài chính cũng đã 2 lần có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất việc chỉ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ, gạo tẻ thường đến ngày 15/6, còn lại vẫn cho xuất khẩu gạo nếp, gạo thơm, gạo chất lượng cao bình thường.
Theo Khánh Nguyên (Dân Việt)

http://danviet.vn/nha-nong/bo-cong-thuong-kien-nghi-cho-xuat-khau-gao-nep-khong-han-ngach-1080391.html

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.