Tăng giờ làm, đề xuất đưa lao động Việt sang Trung Quốc hỗ trợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi ngày có hàng trăm xe hàng xuất qua Trung quốc, nhưng vẫn còn hơn 1.000 xe đang ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế năng lực thông quan hàng hóa là do phía Trung Quốc đang rất thiếu lao động bốc xếp sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu. Để thúc đẩy thông quan, giảm tải ùn ứ, hải quan Lạng Sơn đã làm thêm giờ. Ngoài ra, hải quan Lạng Sơn cũng đề xuất phương án đưa lao động của Việt sang hỗ trợ phía bạn trong khâu bốc dỡ hàng…

 Hàng trăm xe container xếp hàng tại bãi xe cạnh cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ được thông quan. Ảnh: T.C
Hàng trăm xe container xếp hàng tại bãi xe cạnh cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ được thông quan. Ảnh: T.C



Vẫn còn hàng nghìn xe hàng ùn ứ

Sáng ngày 17.3, tại bãi tồn tại bãi xe Bảo Nguyên nằm sát cạnh cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) chật kín các xe containre dừng, đỗ. Hầu hết các xe này đều chở nông sản thanh long, dâu hấu từ miền Trung, miền Nam.

Tài xế Huỳnh Văn Nam đi từ Quảng Ngãi cho biết, đã “xếp lốt” tại bãi xe 2 hôm nhưng vẫn chưa đến lượt thông quan. Ngồi cạnh bên, một tài xế xe thanh long cũng tỏ rõ vẻ sốt ruột khi đã đợi tới ngày thứ 3.

Anh Nam nói, các chủ hàng của Việt Nam và Trung Quốc đã làm việc với nhau, mùa này xuất dưa hấu không lo về rớt giá nhưng vấn đề là xe có sang bãi Trung Quốc cũng không có người bốc dỡ. “Chi phí bến bãi bên đó (Trung Quốc-PV) cao hơn, sinh hoạt cũng đắt đỏ nên đành ở lại và chờ đợi”, anh Nam ngao ngán nói.

Trao đổi với Lao Động, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vy Công Tường cho biết, theo thống kê, đến ngày 17.3, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn tồn hơn 1.200 xe hàng. Chỉ tính riêng số lượng xe hàng tồn tại cửa khẩu Tân Thanh lên tới 788 xe; cửa khẩu Hữu Nghị 231 xe; cửa khẩu Cốc Nam 115 xe; cửa khẩu phụ Bình Nghi 75 xe… Trong đó, số hàng tồn đọng tại cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Bình Nghi đều là hàng nông sản, hoa quả tươi chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việc xe ùn ứ không chỉ riêng tại Tân Thanh mà tất cả các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn nhìn nhận là do năng lực bốc dỡ hàng hoá bên phía Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu. “Xe có sang thì cũng không có người bốc dỡ. Trước khi có dịch, có hàng trăm lao động Việt Nam làm bốc dỡ bên bãi xe phía Trung Quốc. Giờ không còn ai”, ông Tường nói.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 360 triệu USD, giảm 47,8% so với cùng kỳ. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 210 triệu USD, giảm 48,8%, nhập khẩu đạt 150 triệu USD, giảm 46,4%. Hàng xuất khẩu địa phương 2 tháng đầu năm đạt 16 triệu USD, giảm 30,4%. Theo đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn 2 tháng đầu năm ước đạt 700 tỉ đồng, đạt 11,4% dự toán, giảm 18,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 500 tỉ đồng, đạt 18,2% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 200 tỉ đồng, đạt 5,9% dự toán, giảm 53,2%.

Đề xuất đưa lao động Việt Nam sang hỗ trợ Trung Quốc

Để thúc đẩy thông quan hàng hoá, trao đổi với PV Lao Động, từ ngày mở lại ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết, đã chỉ đạo cho các lực lượng chức năng của tỉnh cần khuyến cáo doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên cả nước thời gian này cần hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu, tính toán phương án xuất, nhập hàng hóa hợp lý để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh bến bãi quản lý chặt các lái xe chở hàng xuất nhập, khẩu.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng cục Hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường cho biết, đã chỉ đạo các Chi cục liên quan làm việc thêm giờ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. “Do phía Trung Quốc chỉ hoạt động đến 19 giờ nên nhân viên phía mình cũng làm đến thời điểm họ đóng cửa. Chúng tôi sẽ làm hết sức để hạn chế thiệt hại cho chính mình, các chủ hàng. Qua đây, các doanh nghiệp cũng chủ động sắp xếp hàng hóa, thống nhất các loại hàng đưa qua cửa khẩu phù hợp nhất”. ông Tường nói thêm.

Về giải pháp thúc đẩy thông quan hàng hoá, ông Tường cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế năng lực thông quan hàng hóa do phía Trung Quốc đang rất thiếu nhân lực lao động, nhất là lao động bốc xếp sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Hai bên cũng đã họp bàn kế hoạch, các biện pháp tháo gỡ, tăng năng lực thông quan hàng qua biên giới. Tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề xuất đưa lao động của Việt sang hỗ trợ phía bạn trong khâu bốc dỡ hàng. Phương án này đã được phía cửa khẩu Trung Quốc đồng ý nhưng cấp trên cho rằng đang chống dịch nên đang cân nhắc. Theo phương án, nếu phía bạn đồng ý thì Lạng Sơn sẽ đưa khoảng 100 lao động sang hỗ trợ công tác bốc dỡ hàng. Số lượng này chỉ bằng 1/10 trước khi chưa có dịch xảy ra”, ông Tường nói.


 



Nguồn cung xuất khẩu hàng hoá đang ổn định trở lại

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã khiến một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhất là nông-thuỷ sản chịu tác động rõ rệt. Tính chung 2 tháng đầu năm, có 8/9 mặt hàng trong nhóm nông - thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến trong quý I, xuất khẩu nông - thủy sản qua thị trường Trung Quốc có thể giảm từ 12 - 13% so với cùng thời điểm 2019. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2 năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 37,1 tỉ USD, tăng 0,5% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 18,6 tỉ USD, tăng 1,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 18,5 tỉ USD, giảm 0,5%. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 34% và trị giá nhập khẩu tăng 26%.

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay thị trường xuất nhập khẩu đang dần được ổn định. Nguyên liệu về nguồn cũng ổn định bởi lẽ thị trường Trung Quốc đang dần nối lại được. Tuy nhiên, về đầu ra ở khu vực Châu Âu thì hiện tại các cơ quan có thẩm quyền vẫn đang theo dõi và nghe ngóng.

https://laodong.vn/xa-hoi/tang-gio-lam-de-xuat-dua-lao-dong-viet-sang-trung-quoc-ho-tro-791581.ldo

Theo THÔNG CHÍ - CAO NGUYÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.