Dịch Covid-19: Giá điều thô giảm sâu đúng mùa thu hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng loạt quốc gia nhập khẩu điều nhân Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vùng nguyên liệu cung cấp điều thô cho Việt Nam cũng đã có nước xuất hiện bệnh nhân bị lây nhiễm. Ngành điều đang đứng trước những thách thức lớn chưa thể lường trước được.
Ngày 28/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nâng mức cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên mức rất cao ở cấp độ toàn cầu. Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 7/3, toàn thế giới có 102.224 ca nhiễm và 3.495 ca tử vong do nhiễm virus corona (covid-19).
Ngoài Trung Quốc, những quốc gia tốp đầu trong nhập khẩu điều từ Việt Nam như Mỹ, Hà Lan, Singapore, Đức, Anh, Úc, Canada đều đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19; trong đó, Mỹ, nước nhập khẩu lớn nhất đã có 6 người chết.
Châu Phi - nguồn cung ứng hạt điều thô chính của ngành điều Việt Nam cũng đã có những quốc gia ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, như Nigeria, Maroc, Senegal... Hiện chưa ai có thể dự báo chính xác rằng bao giờ Covid-19 được khống chế.
 
Việt Nam bước vào vụ sản xuất, chế biến vụ điều mới 2020 đúng ngay thời điểm bùng phát của dịch Covid-19.
Tháng 3, Việt Nam bước vụ sản xuất, chế biến mới đúng ngay thời điểm bùng phát của dịch Covid-19. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận định ngành sản xuất chế biến điều sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro.
Theo các chuyên gia ngành điều, vụ mùa năm nay của Việt Nam và Campuchia thời tiết diễn biến bình thường, có lợi cho việc thu hoạch và phơi phóng, tuy nhiên sản lượng thu hoạch chưa nhiều.
Hiện giá điều tươi Việt Nam dao động 26.000-27.000 đồng/kg; giá nhập kho khoảng 1.350-1.400 USD/tấn. Giá nhập kho cho hạt điều Campuchia loại hạt lớn 1.550-1.600 USD/tấn.
Tuy nhiên, mức giá trên chỉ là ngắn hạn. Một số công ty chỉ mua đủ để chế biến cho các hợp đồng đã ký trước đây và giữ chân khách hàng Trung Quốc.
Tại Châu Phi, sản lượng dự kiến sẽ tăng cao hơn năm 2019 do diện tích trồng mới đến thời kỳ thu hoạch tăng. Dự kiến 2 tuần nữa, áp lực bán hàng của Châu Phi sẽ rất lớn do vào cao điểm thu hoạch.
Với điều nhân, thị trường Trung Quốc giao dịch rất ít, thị trường phương Tây cũng khá trầm lắng. Như hạt điều mã W320 có giá dao động từ 3-3,15 USD/lb, tùy theo từng thương hiệu. Còn những mặt hàng cấp thấp thì hầu như không có người mua.
Hầu hết những nước nhập khẩu nhân điều từ Việt Nam lớn nhất  đều đang phải chống chọi với dịch. Châu Phi cũng đã có các ca nhiễm, nếu lan rộng sẽ đe dọa nguồn cung nguyên liệu.  
Thị trường đang trong giai đoạn chờ đợi để xem diễn biến tình hình ra sao. “Cũng không loại trừ tình huống cả người mua điều thô và điều nhân đều chờ đợi giá xuống “đáy” khi dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm mới mua”, Vinacas nhận định.
Sau khi dịch qua đi, tình hình vẫn chưa hết khó khăn. Nền kinh tế nói chung và đời sống của người dân Trung Quốc nói riêng bị dịch tàn phá. Trong khi đó, hạt điều chỉ là món ăn phụ nên lượng tiêu thụ năm 2020 ở thị trường này sẽ sụt giảm lớn.
 
Vinacas kêu gọi các doanh nghiệp cố gắng mua điều thô để chia sẻ khó khăn với nông dân.
Sức tiêu thụ của các hạt thay thế khác ở Trung Quốc như hạnh nhân cũng đã và sẽ còn giảm mạnh. Một bộ phận người tiêu dùng thế giới sẽ chuyển sang hạnh nhân và các loại hạt khác khiến cho lượng tiêu thụ điều giảm. Nếu dịch Covid-19 chậm được ngăn chặn, tiêu thụ điều trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn chứ không riêng ở Việt Nam.
Vinacas đề nghị doanh nghiệp cần cẩn trọng trong các giao dịch tại thời điểm này. Không vội mua điều thô nếu chưa có hợp đồng đầu ra hoặc chưa cân đối được giá bán và chi phí.
Các doanh nghiệp cần đánh giá kỹ tình hình thị trường và các tác động khác từ dịch Covid-19 trước khi quyết định ký hợp đồng mua, bán cũng như việc dự trữ nguyên liệu để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong tình hình khó khăn chung, chính người trồng điều trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn do giá điều giảm thấp. Để góp phần giữ và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas kêu gọi các doanh nghiệp, trong điều kiện của mình, cố gắng mua điều thô cho nông dân.
Trần Khánh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm