Thương lái Việt bán tháo dưa hấu, thanh long vì dịch virus Corona

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều thương lái bán thanh long, dưa hấu cho biết, do Trung Quốc đóng cửa biên giới vì lý do đang trong thời gian bệnh viêm phổi cấp do virus Corona nên họ phải đưa dưa hấu quay đầu về bán tại Hà Nội.
Thương lái đau đầu chờ xuất hàng sang Trung Quốc
Ngày 31.1, Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) đã có thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường từ ngày 31.1 đến hết ngày 8.2 và sẽ chính thức mở cửa vào ngày 9.2.
Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã lâm vào tình trạng khó khăn vì hàng không xuất được. Chia sẻ với Lao Động, anh Đặng Thế Hiếu (quê Bình Thuận), thương lái chuyên mua nông sản ở các tỉnh miền Trung cho biết, anh ăn ngủ ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hai hôm nay. Cũng đoán trước được tình trạng này, nên anh đã chuẩn bị sẵn bát, đũa, nồi nấu để ăn ngủ luôn tại xe.
Theo anh Hiếu, thời điểm này, hàng trăm container trái cây, nhất là thanh long và dưa hấu vận chuyển sang Trung Quốc, một là phải quay đầu về, hai là phải “ăn dầm nằm dề” ở cửa khẩu chờ thông quan, xuất hàng sang Trung Quốc. Với những thương lái quay về, họ chấp nhận bán tháo hàng hóa ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.
"Để đề phòng lây nhiễm virus Corona, hai quốc gia buộc phải rời ngày thông quan, chúng tôi hiểu điều đó, nhưng hiện hàng tồn kho khá nhiều, chúng tôi chưa biết xử lý thế nào", anh Hiếu nói.
 
Hơn 100 xe container thanh long, dưa hấu đang chờ ở cửa khẩu Tân Thanh để được thông quan. Ảnh: C.T.V
Theo anh Hiếu, phía đối tác của anh bên Trung Quốc thông báo ngày 16 tháng Giêng cửa khẩu mới mở trở lại. Nhưng anh cho rằng, tình hình bệnh dịch do virus Corona đang diễn biến phức tạp, chưa chắc đến ngày ấy, Trung Quốc đã mở cửa khẩu. Do đó, rất cần có giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để các thương lái vượt qua khó khăn.
Ghi nhận của Báo Lao Động, ở đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội, một vài người trải bạt bán một lượng lớn dưa hấu trên vỉa hè. Tấm biển đề giá dưa hấu 8.000 đồng/kg tại đây đã nhanh chóng thu hút nhiều người dừng lại mua hàng.
Những người bán hàng cho biết, đây là dưa hấu từ miền Nam, trọng lượng từ 1,8 - 3kg/quả, có dán tem thông quan sang Trung Quốc. Do cửa khẩu tạm ngừng thông quan hàng hóa vì dịch Corona nên đây là hàng tồn, bán cắt lỗ.
 
Dưa hấu xuất sang Trung Quốc quay đầu bán ở Hà Nội.
Hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang rớt giá. Theo đó, bí đỏ xuất sang Trung Quốc đang phải bán với giá 2.5000 -3.000 đồng một kg, giảm một nửa so với năm ngoái. Còn với khoai lang, nếu cuối năm có giá 7.000-8.000 đồng một kg thì nay chỉ được thương lái mua với 3.000-4.000 đồng một kg.
Nông sản rớt giá là tình trạng bất khả kháng
Chia sẻ với Báo Lao Động về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, chưa thể dự báo được thời gian đóng cửa khẩu kéo dài bao lâu, nhưng chắc chắn không thể thông quan trong vòng một, hai tuần được. Cho nên, các doanh nghiệp cần chủ động để điều tiết nông sản ngay từ vùng sản xuất, tránh việc đưa hàng hóa lên cửa khẩu vào thời điểm này.
Còn việc nhiều mặt hàng nông sản rớt giá, theo ông Trần Thanh Hải, nguyên nhân là các cửa khẩu vẫn trong tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa; thương lái Trung Quốc giảm thu mua. Nhiều đầu mối thu gom lớn cũng giảm mạnh đơn hàng do quốc gia này đang nằm trong vùng dịch bệnh viêm phổi nên hoạt động giao thương chậm lại. Tình trạng này là bất khả kháng do nguyên nhân khách quan gây ra.
“Trong cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành về các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, dù có phải thiệt hại về kinh tế nhưng phải đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân.
Trước việc một số nông sản rớt giá, chúng tôi khuyến cáo người dân, doanh nghiệp điều tiết sản xuất, phải dãn ra để phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng tiêu thụ hàng hóa, không để xảy ra trường hợp sản xuất quá nhiều, không xuất được lại phải giải cứu”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho hay, đã có buổi làm việc với nhiều doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thanh long để tìm phương án ứng phó, nhằm bảo đảm đầu ra.
Hiện tại, đang có tình trạng thanh long bị dội hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kêu gọi các doanh nghiệp chế biến hỗ trợ bà con nông dân. 
Cường Ngô (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.