"Thảm cảnh" giá hồ tiêu thấp nhất trong lịch sử sắp chấm dứt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2019, giá hồ tiêu của Việt Nam cũng như giá hạt tiêu toàn cầu tiếp tục ảm đạm, rơi xuống mức thấp chưa từng có. Dự báo viễn cảnh giá tiêu năm 2020 sẽ không sáng sủa hơn, nhưng có thể sẽ nhích dần vào năm 2021 nhờ sản lượng loại gia vị này đang có xu hướng giảm dần.
Giá tiêu tại các vùng nguyên liệu trọng điểm ở Tây Nguyên ngày 7/2 tiếp tục giảm, chỉ còn từ 36.000 – 39.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ
Giá tiêu xuống "đáy" do sản xuất dư thừa, chỉ còn 39.000 - 41.000 đồng/kg
Năm 2019, giá tiêu thế giới tiếp tục rơi vào "thảm cảnh" khi chạm mức thấp nhất 12 năm qua. Tại Việt Nam, giá tiêu tại các địa phương giảm từ mức 50.000 – 52.000 đồng/kg đầu năm 2019 xuống mức "đáy" 39.000 – 41.000 đồng vào cuối năm 2019 và tính đến ngày 7/2/2020, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn từ 36.000 - 39.000 đồng/kg.
So với mức đỉnh cao 230.000 đồng/kg của năm 2015, giá tiêu hôm nay đã "bốc hơi" mất gần 4/5.
Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai), giá tiêu giảm xuống dưới mức 40.000 đồng/kg khiến ngành hàng này ngày càng ảm đạm. Điều đáng nói là trước đây, dù giá tiêu có giảm, giá thành sản xuất vẫn ở mức thấp nên nông dân vẫn có lãi, trong khi hiện tại, giá thành lên đến 49.000 đồng/kg, nên với mức giá này, nông dân lỗ nặng.
Theo tính toán sơ bộ của Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2019 giảm lần đầu tiên sau mấy năm liên tiếp tăng, chủ yếu do thời tiết bất lợi ở Việt Nam. Cụ thể, sản lượng hạt tiêu toàn cầu thấp hơn 74.000 tấn so với năm 2018.
Tuy nhiên, nguồn cung hạt tiêu thế giới vẫn dư thừa hơn khoảng 60.000 – 70.000 tấn so với nhu cầu.
IPC ước tính hiện Việt Nam có khoảng 100.000ha tiêu đang cho thu hoạch, trong đó năm 2019, sản lượng tiêu đen là 175.000 tấn và 25.000 tấn tiêu trắng, tổng sản lượng đạt 200.000 tấn, tiếp tục giữ vị trí nước sản xuất lớn nhất thế giới. Nếu so với năm 2018, sản lượng của Việt Nam đã giảm nhẹ do diện tích trồng tiêu ít đi. Việt Nam bắt đầu tập trung vào cải thiện chất lượng hạt tiêu hơn là tăng sản lượng. Cụ thể là giảm sử dụng hóa chất và nỗ lực phát triển sản xuất hạt tiêu hữu cơ.
Sản lượng hạt tiêu và sản lượng xuất khẩu của các thị trường chính năm 2019.
Brazil là nước sản xuất lớn thứ 2 với tổng sản lượng 67.000 tấn trong năm 2019, bao gồm 64.000 tấn tiêu đen và 3.000 tấn tiêu trắng. Giống như Việt Nam, sản lượng hạt tiêu Brazil cũng giảm trong năm 2019 so với 2018. Nguyên nhân do một số vườn tiêu cây đã cỗi, trong khi những nông trường tiêu trắng mới trồng chưa cho thu hoạch.
Indonesia giữ vị trí nước sản xuất lớn thứ 3 trong năm 2019 với 25.000 tấn tiêu đen và 40.000 tấn tiêu trắng. So với năm 2018, sản lượng năm 2019 ước tính cũng giảm. Lý do bởi nhiều vườn tiêu ở các khu vực trồng tiêu chính không đầu tư nhiều cho loại cây này khi giá trên thế giới giảm thấp. Người trồng tiêu Indonesia đã không mặn mà với loại cây này từ mấy năm nay.
Sản lượng hạt tiêu Ấn Độ ước tính giảm so với năm trước, chỉ đạt khoảng 45.000 tấn tiêu đen và 1.500 tấn tiêu trắng. Nguyên nhân do sản xuất ở nhiều nông trường thuộc bang Kerala bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt hồi giữa tháng 8/2019. Thời tiết xấu cũng gây nấm hại cây trong thời gian sau đó.
Sản lượng hạt tiêu Trung Quốc năm 2019 ước tính đạt 33.000 tấn, trong đó có 1.000 tấn tiêu đen và 32.000 tấn tiêu trắng. Như vậy, sản lượng đã giảm 6% so với năm trước.
Chỉ có 2 nước có sản lượng tiêu tăng là Sri Lanka và Malaysia. Trong đó, sản lượng tiêu của Sri Lanka ước đạt 26.700 tấn, tăng 44% so với năm 2018; Malaysia đạt 24.000 tấn. Một số vùng trồng tiêu của Malaysia đang trong giai đoạn cho năng suất cao, do đó sản lượng của nước này đã tăng nhẹ so với năm trước.
Dự báo giá tiêu sụt giảm xuống dưới 38.000 đồng/kg
Về xuất khẩu hạt tiêu, năm 2019, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới. Theo ước tính của IPC đưa ra cuối năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 215.000 tấn (con số xuất khẩu cao hơn sản lượng là do xuất khẩu cả một phần hạt tiêu dự trữ từ năm trước); Brazil xuất khẩu khoảng 57.600 tấn, Indonesia 37.000 tấn, Sri Lanka 20.200 tấn, Ấn Độ 17.000 tấn, Malaysia 14.000 tấn và Trung Quốc 1.000 tấn.
Sản lượng hạt tiêu Việt Nam năm 2019 cao nhất trong số các nước sản xuất, theo tính toán của Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC).
Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu nước ta năm 2019 đạt 283.836 tấn, tăng 22% so với năm 2018 và là năm thứ 3 liên tiếp tăng.
Tuy nhiên, trị giá hạt tiêu xuất khẩu năm 2019 giảm 5,4%, chỉ đạt 714,14 triệu USD do giá tiêu toàn cầu năm qua giảm (giá xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2019 giảm 22,8% so với năm trước, chỉ còn 2.516 USD/tấn).
Dự báo từ nay tới cuối năm 2020, giá hạt tiêu sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể giảm nữa do những diện tích tiêu trồng từ năm 2016 – 2017 ở các nước sản xuất lớn như Việt Nam đã đến lúc cho sản lượng cao.
Một số chuyên gia trong ngành dự báo, giá tiêu Việt Nam có thể giảm xuống chỉ còn 36.000 - 38.000 đồng/kg trong năm nay, thậm chí có thể xuống sâu 35.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 giá có thể bắt đầu hồi phục khi cung – cầu trở về mức cân bằng và nhiều doanh nghiệp tăng cường mua tích trữ nhân lúc giá tiêu còn ở mức thấp. Sang năm 2021, khả năng giá tiêu sẽ nhích lên khi sản lượng của hầu hết các nước đều giảm mạnh, kể cả ở Việt Nam.
Thiên Hương (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm