Số phận 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ ở PVN thời ông Đinh La Thăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều dự án với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được phê duyệt trong thời gian ông Đinh La Thăng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT và HĐTV PVN đã rơi vào cảnh thua lỗ, dừng hoạt động hoặc đầu tư dở dang. Song theo thời gian, mỗi dự án lại có một số phận khác nhau.
Ông Đinh La Thăng.
Khi Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN giai đoạn 2008 - 2011 về tội “Vi phạm quy định đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (Bộ Luật hình sự 2015) xảy ra tại Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ, thì 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ khác được phê duyệt dưới thời ông Đinh La Thăng là xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex), Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước vẫn ở trong hoàn cảnh thua lỗ hoặc đầu tư dở dang.
Những sai phạm xảy ra tại 4 dự án nêu trên không chỉ khiến nhiều lãnh đạo ngành dầu khí vướng vào lao lý, mà còn tạo ra gánh nặng không nhỏ cho nền kinh tế khi bản thân doanh nghiệp phải chịu một khoản lỗ không nhỏ, chi phí lãi vay vẫn gia tăng theo thời gian. Còn các tổ chức tín dụng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình thu hồi nợ vay, ảnh hưởng phần nào tới dòng tiền kinh doanh.
Gánh nặng từ dự án thua lỗ nghìn tỷ trên vai PVN
Quan sát BCTC giữa niên độ 2019 của PVN, không khó để nhận thấy khoản đầu tư vào Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) trị giá 1.602,3 tỷ đồng đã được phía PVN trích lập dự phòng 100% và không còn ghi nhận giá trị hợp lý từ lâu. Dù đã đổi tên doanh nghiệp thành Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) và vận hành 12 dây chuyền gia công sợi DTY từ tháng 5/2019, song sau đó, do tình hình không thuận lợi, theo yêu cầu của đối tác nên đã giảm xuống chỉ còn 7 dây chuyền. Theo báo cáo của PVN, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ sau 6 tháng đầu năm 2019. Còn khoản nợ xấu giữa PVN và PVTex cũng tăng nhẹ lên 294,1 tỷ đồng và được trích lập dự phòng 100%.
Không chỉ vậy, PVN cũng phải thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho khoản vay dài hạn của PVTex và VDB với số dư gốc vay tính tới 30/6/2019 là 5.141,3 tỷ đồng.
Tình hình sau đó vẫn chưa cho thấy sự cải thiện khi lỗ luỹ kế của PVtex tính đến 31/8/2019 đã lên tới 5.120,2 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Vốn chủ sở hữu đã giảm 2.861 tỷ đồng tức giảm 24% so với cùng kỳ. Tổng nợ của doanh nghiệp lên tới 7.806,1 tỷ đồng, tăng 1,56% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong buổi làm việc giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) vào tháng 8/2019, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng từng cho biết, tuy sở hữu những công nghệ và dây chuyền máy móc được đánh giá là hiện đại của thế giới, nhưng những yếu tố về cơ sở hạ tầng, tính liên kết và chi phí vận chuyển đã tác động không nhỏ tới tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ từ ngày được chuyển giao về PVN. (Ảnh minh hoạ).
Tương tự PVTex, sau khi tiếp quản Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất từ một Vinashin trong hoàn cảnh sa lầy, PVN cũng phải trích lập dự phòng 100% với số tiền 1.990,54 tỷ đồng đầu tư vào doanh nghiệp. Thực tế, đây chính là số tiền PVN chuyển cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất để tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo quyết định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính từ năm 2010, PVN đã tạm hạch toán khoản đầu tư của mình vào Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất với giá trị 0 đồng do giá trị tài sản tại doanh nghiệp đã âm 1.075 tỷ đồng. Bản thân giá trị đầu tư vào Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất của PVN chỉ có thể thay đổi khi có quyết định phê duyệt chính thức từ cơ quan có thẩm quyền về giá trị công ty nhận bàn giao.
Còn sau 6 tháng đầu năm 2019, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất tiếp tục kinh doanh thua lỗ. Còn khoản nợ 3.469,5 tỷ đồng với PVN vẫn chưa hẹn ngày thu hồi.
Ngoài ra, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 và Công văn của Văn phòng Chính phủ năm 2016, PVN sẽ thực hiện hỗ trợ vốn cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất trả nợ vay tại Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất – giai đoạn 1. Theo đó, số dư nợ khoản vay tính tới 30/6/2019 là hơn 141,3 tỷ đồng, lãi vay là hơn 209,3 tỷ đồng.
Còn tính tới 31/8/2019, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã lỗ luỹ kế 3.841,31 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng nợ phải trả là 6.918,53 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn tại hai dự án Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước. Dù đã vận hành trở lại, song biểu đồ thể hiện các chỉ số kinh doanh ở hai dự án này tới hết 31/8/2019 có khá nhiều điểm chung khi lỗ luỹ kế năm sau đều tăng hơn 14,5% so với năm trước, vốn chủ sở hữu giảm ít nhất 30%, còn tổng nợ phải tăng trong khoảng từ 3,8% - 4,4%.
Bóng dáng ông Trịnh Xuân Thanh và PVC trong những dự án nghìn tỷ của PVN
Nhắc tới những dự án của PVN, không thể không đề cập tới PVC thời ông Trịnh Xuân Thanh. Là doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án do PVN đầu tư, song việc PVC thiếu kinh nghiệm trong các dự án lớn, cùng những sai phạm trong công tác quản lý của ông Trịnh Xuân Thanh và đồng nghiệp đã khiến nhiều dự án rơi vào cảnh dở dang, “đắp chiếu”.
 Ông Trịnh Xuân Thanh thời điểm còn giữ vai trò lãnh đạo ở PVC. (Ảnh minh hoạ).
Trong khi Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ việc PVN chỉ định PVC - một nhà thầu thiếu kinh nghiệm thực, hiện hợp đồng EPC dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ), để rồi PVC đã phải dừng thi công dự án từ tháng 11/2011, vi phạm quy định hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư thì tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, những năm gần đây, “giải cứu” là cụm từ được sử dụng nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông khi nhắc tới dự án do PVC làm tổng thầu.
Cụ thể, trong một báo cáo của PVN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với nội dung về tình hình giám sát, đánh giá đầu tư 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, tình hình triển khai thi công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục chậm, ảnh hưởng tới cột mốc đốt dầu, đốt than lần đầu.
Theo đó, khối lượng lắp đặt mới đạt 93,3%, các hạng mục chính hoàn thành đạt 80 - 98%. Còn công tác mua sắm thiết bị của tổng thầu PVC không đáp ứng tiến độ thi công lắp đặt, nguồn lực tài chính của Tổng thầu/Nhà thầu phụ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu triển khai dự án.
Điều này đã dẫn tới việc huy động nhân lực, máy móc chưa đầy đủ, công việc triển khai xây dựng, lắp đặt chưa đáp ứng tiến độ. Ngoài ra, công tác điều hành của Tổng thầu PVC và một số nhà thầu phụ trên công trường còn hạn chế, chưa đáp ứng cam kết.
Lãnh đạo Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong lần ghé thăm dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Sau những năm tháng kinh doanh thiếu hiệu quả thời ông Trịnh Xuân Thanh, giờ đây, tổng tài sản của PVC còn 9.983 tỷ đồng, chủ yếu thuộc hàng tồn kho. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm phần lớn với các khoản tiền chủ yếu từ công ty mẹ PVC. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 863 tỷ đồng vào đầu năm còn 362 tỷ đồng vào cuối kỳ cho thấy thanh khoản và năng lực trả nợ nhanh giảm xuống
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi âm 231 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ vẫn còn dương 267 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ từ hoạt động đầu tư, chi phí lãi vay…
Trên BCTC, doanh thu thuần của PVC cũng giảm mạnh 42% so với cùng kỳ, chỉ còn 1.939 tỷ đồng. Việc giá vốn hàng bán lên tới 2.108 tỷ đồng khiến PVC tiếp tục chịu lỗ gộp 169 tỷ đồng, cao hơn cả mức lỗ gộp 156 tỷ dồng của năm 2018.
Tuy nhiên, nhờ giảm chi phí lãi vay 19% về 86 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 98% còn 272 triệu đồng, chi phí quản lý giảm 8% về 205 tỷ đồng nên PVC chỉ lỗ thuần 388 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 431 tỷ đồng của năm 2018.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp PVC báo lỗ. Nếu báo cáo kiểm toán không thay đổi về kết quả lợi nhuận ròng, doanh nghiệp sẽ phải hủy niêm yết theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP.
Bản thân PVN cũng phải nhận gánh nặng từ PVC khi trích lập dự phòng giá trị đầu tư và hơn 177 tỷ đồng nợ xấu.
P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm