Xuất khẩu tại Gia Lai kỳ vọng vào năm mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu… giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2019 vẫn tăng trưởng ổn định. 
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Gia Lai đạt 294 triệu USD với sản lượng 180 ngàn tấn. Ngoài xuất khẩu sang các thị trường châu Á với khoảng 30% kim ngạch thì hiện cà phê Gia Lai đã có mặt tại các thị trường khó tính như: Mỹ, EU… Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn chủ yếu là xuất thô, chiếm đến 96,5%. Trong khi đó, giá cả cà phê những năm qua biến động bất lợi đã ảnh hưởng đến số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Trong năm 2019, cả tỉnh chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty TNHH Trung Hiếu, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam.  
Trong năm qua, xuất khẩu cà phê đã giảm 16,28% về lượng và giảm 22,63% về giá trị do giá chỉ đạt khoảng 1.600 USD/tấn, giảm hơn 10% so với năm 2018. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: “Trung bình mỗi năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 70 ngàn tấn cà phê, mang về kim ngạch khoảng 150 triệu USD cho tỉnh, trong đó có khoảng 90% cà phê nhân xô, 10% cà phê rang xay và hòa tan. Nếu năm trước, giá cà phê xuất khẩu đạt 2.200 USD/tấn thì năm nay giảm rất mạnh. Cùng với đó, sản lượng cà phê xuất khẩu của doanh nghiệp giảm nên kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đã giảm đáng kể so với các năm trước”.
  Mặt hàng hoa quả chế biến của Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai   góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Ảnh: V.T
Mặt hàng hoa quả chế biến của Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Ảnh: V.T
Mặc dù đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh song sản phẩm cà phê xuất khẩu phần lớn là chế biến thô, chưa tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, tuy giảm về giá trị và khối lượng hàng xuất khẩu nhưng mặt hàng cà phê vẫn chiếm đến 59% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư các dự án sản xuất, chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của ngành hàng này.
Kỳ vọng vào năm 2020
Theo thống kê của Sở Công thương, nếu như năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 343 triệu USD, năm 2017 đạt 450 triệu USD, năm 2018 đạt 470 triệu USD thì năm 2019 đạt 500 triệu USD. Trong đó, nhóm hàng nông sản chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2019, toàn tỉnh xuất khẩu được 180 ngàn tấn cà phê, tương đương 294 triệu USD (giảm 16,28% về lượng, giảm 22,63% về giá trị so với năm 2018); 3.700 tấn mủ cao su, tương đương gần 5,5 triệu USD (tăng 5,7% về lượng, tăng gần 9% về giá trị); sản phẩm gỗ 7 triệu USD (tương đương so với năm 2018), các mặt hàng khác 191,8 triệu USD…
Mặc dù một số mặt hàng chủ lực giảm cả về lượng và giá trị nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn tăng trưởng ổn định do việc gia tăng xuất khẩu ở một số mặt hàng hoa quả tươi, nước ép hoa quả, trái cây đóng hộp, hạt điều nhân, tinh bột mì. Trong đó, các sản phẩm của Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai đã góp phần đa dạng mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO)-cho biết: “Từ tháng 4-2019 đến nay, Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai đi vào hoạt động và đã xuất khẩu những lô hàng đầu tiên sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Công ty đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai đạt khoảng 100 triệu USD/năm”.
Theo ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công  thương), năm 2020, dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng, song tốc độ tăng sẽ không cao do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Tuy nhiên, với chính sách mở cửa thị trường, tác động của Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam mở ra cơ hội để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng thâm nhập và mở rộng thị trường mới.
Dự kiến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 630 triệu USD, tăng 26% so với năm 2019. Cơ sở để tỉnh đặt chỉ tiêu này dựa trên những dự báo về giá cả các mặt hàng cà phê, hồ tiêu, cao su, mì lát… đang có dấu hiệu hồi phục dần với mức tăng 7-10% vào năm 2020. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao do sự tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu hoa quả, nước ép trái cây, hạt điều, tinh bột mì... Theo đó, dự kiến mặt hàng cà phê xuất khẩu đạt 200 tấn, tương ứng 360 triệu USD (tăng 11% về lượng và 22% về giá trị so với năm 2019); mủ cao su 6.500 tấn, tương ứng 11,5 triệu USD (tăng 76% về lượng và gấp 2,1 lần về giá trị); gỗ tinh chế 11 triệu USD; hàng khác 245 triệu USD (tăng 28%)…
Ông Nguyễn Tấn Lực cho biết, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thì cần thực hiện tốt quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh thông qua hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. “Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển các thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào các thị trường truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro”-ông Lực đề xuất.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm