Xuất khẩu nông sản: Quan tâm yếu tố tâm lý khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nông sản là mặt hàng xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, từ khâu sản xuất, chế biến, tìm thị trường đến khâu ký kết hợp đồng. Sự bền vững của mặt hàng nông sản luôn bị thách thức vì đó là mặt hàng nhạy cảm với cả thế giới chứ không chỉ của Việt Nam. Nếu giá cà phê thế giới lúc lên lúc xuống thì người trồng cà phê, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng chỉ biết chịu đựng chứ không thể thay đổi được tình hình. Vì vậy, mở rộng thị trường, tìm được những yếu tố từ sở thích tới tâm lý khách hàng tiêu dùng trên thế giới là điều hết sức cần thiết. Nó bảo đảm cho nông sản Việt Nam không bị động, không phụ thuộc nhiều vào đối tác và trong những lúc khó khăn vẫn có thể tìm ra những “cửa ngách” để xuất khẩu, được khách hàng chấp nhận.
Ảnh internet
Ảnh internet
Ví dụ như mặt hàng cà phê, gu thưởng thức của mỗi nước trên thế giới không giống nhau. Vì vậy, chúng ta phải nắm được sự khác biệt của từng khu vực khách hàng để cung ứng mặt hàng cà phê đúng với nhu cầu, gu thưởng thức quen thuộc của họ. Bán hàng là một nghệ thuật, trong đó, việc tìm hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng của khách hàng là rất quan trọng. Nếu chúng ta cứ tổ chức xúc tiến thương mại một cách chung chung mà không đi sâu tìm hiểu khách hàng thì việc hô hào tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản chỉ là khẩu hiệu. Từ khẩu hiệu tới thực tế, nhất là thực tế thị trường, là cả một khoảng cách. Chỉ có thể lấp đầy khoảng cách ấy bằng những hoạt động thương mại cụ thể, chi tiết, có sự tìm hiểu sâu sắc từng nhóm đối tượng khách hàng, hiểu được nhu cầu và cả tính cách tiêu thụ của họ, để những mặt hàng nông sản của mình xuất khẩu đúng với yêu cầu và gu thưởng thức của họ. Những hợp đồng xuất khẩu sẽ được ký kết từ sự hiểu biết khách hàng như vậy.
Muốn thực hiện được khâu tìm hiểu thị trường, tìm hiểu khách hàng thì lại phải quay về với khâu sản xuất và tiêu thụ. Người sản xuất phải làm theo những đơn đặt hàng cụ thể của doanh nghiệp, từ chất lượng tới mẫu mã. Doanh nghiệp cũng phải có được những sản phẩm phù hợp với từng khu vực, từng nhóm khách hàng trên thế giới nếu muốn đưa nông sản của mình tới họ và được họ đón nhận. Sự kết hợp giữa người sản xuất và doanh nghiệp phải là sự kết hợp sống còn, “cùng thắng”(win-win), chứ không phải chuyện người thắng kẻ bại, người hưởng lợi còn kẻ thua lỗ.
Trong sản xuất chuỗi khép kín, từ khâu sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại thì phải xác định chế biến là khâu đột phá để từ đó xây dựng chuỗi liên kết. Nghĩa là, “có bột mới gột nên hồ”, chứ xúc tiến thương mại không hề là chuyện “chém gió”, chuyện nói suông. Chẳng hạn với cây cà phê, tái canh là biện pháp làm “trẻ hóa” vườn cây nhưng khâu chế biến sâu hạt cà phê mới thực sự là then chốt. Chứ nếu cứ mãi xuất thô cà phê thì dù có tái canh, dù tăng năng suất thì giá cả trên thị trường thế giới của sản phẩm cà phê Việt Nam cũng không vì thế mà tăng lên. Thị trường quyết định không chỉ số lượng, mà cái chính là chất lượng, là sự sáng tạo trong khâu tìm ra những sản phẩm mới từ những nguyên liệu cũ.
Một khi, người sản xuất nông sản và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản liên kết với nhau một cách hữu cơ, sống còn thì sản phẩm xuất khẩu sẽ mang những gương mặt ngày càng mới mẻ hơn, thu hút hơn. Lúc đó, những hoạt động xúc tiến thương mại sẽ thực chất, không hình thức, không làm cho lấy có, mà làm vì sự sống còn của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.