Thị trường bánh mứt Tết tại Pleiku giá không tăng, sức mua chậm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay từ đầu tháng 12 Âm lịch, nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP. Pleiku đã bắt đầu bày bán bánh mứt Tết. Dự báo sức mua sẽ không bằng mọi năm nên hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều nhập hàng cầm chừng, bán hết đến đâu nhập thêm đến đó.
Nhập hàng cầm chừng
Theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ trên địa bàn TP. Pleiku, nguồn hàng bánh mứt năm nay rất phong phú, đa dạng với đủ loại được sản xuất trong nước và nhập ngoại. Bà Trương Thị Bửu-đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tam Ba-cho biết: Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết, Công ty đã chủ động chuẩn bị khoảng 150 loại bánh mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát. Từ đầu tháng 12 Âm lịch, Công ty đã đưa hàng bánh mứt Tết lên kệ bán. Qua gần 2 tuần, lượng hàng bán ra tương đối lớn. “Năm nay, người dân mua sắm Tết khá sớm nhưng lượng mua không nhiều bằng mọi năm. Tuy vậy, ngay từ đầu mùa, Công ty đã đặt các nhà phân phối nhập hàng với đa dạng chủng loại bánh mứt, hàng bán hết đến đâu nhập về đến đó”-bà Bửu cho biết thêm. 
Khách mua bánh mứt Tết ở Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tam Ba. Ảnh: T.N
Khách mua bánh mứt Tết ở Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tam Ba. Ảnh: T.N
Là người mua sắm hàng Tết từ rất sớm, chị Phùng Thị Hương Thủy (hẻm 35 Nguyễn Hữu Huân, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mọi năm, riêng tiền mua bánh mứt Tết của gia đình tôi đã hết khoảng 2 triệu đồng. Nhưng năm nay, tôi chỉ mua hơn 1 triệu đồng với chừng 10 loại bánh mứt để đãi khách. Đa phần khách đến chơi Tết đều giảm ăn đồ ngọt nên tôi cũng không cần mua sắm nhiều”.
Theo nhiều người bán bánh mứt, năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm mạnh nên sức tiêu thụ dự báo giảm. Bà Trần Thị Thu Hồng-chủ cửa hàng Hồng Danh (375 Lê Duẩn, TP. Pleiku) cho hay: “Năm nay, cửa hàng chỉ nhập khoảng 350 triệu đồng tiền hàng Tết, bằng 1/2 so với năm trước. Lý do là vì nguồn thu nhập trong dân giảm, sức mua không lớn nên cửa hàng không dám nhập nhiều. Tầm này năm trước đã có nhiều người mua hàng Tết nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa tiêu thụ được bao nhiêu. Hy vọng qua Rằm tháng Chạp, tình hình buôn bán sẽ khả quan hơn”.
Không chỉ các cửa hàng, siêu thị mà nhiều quầy hàng ở các chợ cũng khá dè dặt trong việc nhập hàng bánh mứt Tết. Bà Nguyễn Thị Diệu-tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: “Những năm trước, từ đầu tháng 12 Âm lịch, các mối ở huyện đã liên tục nhập hàng. Nhưng năm nay, đến thời điểm này, lượng bánh mứt tiêu thụ không đáng là bao. Trong khi đó, lượng khách mua lẻ thì không có nhiều, mỗi ngày chỉ lác đác hơn chục người ghé xem và mua”. Cũng theo bà Diệu, để phục vụ mùa Tết năm nay, bà nhập khoảng gần 100 loại bánh mứt, kẹo nhưng mỗi loại chỉ tầm 1 thùng, giảm gần một nửa so với mọi năm.
Tăng cường kiểm tra hàng hóa
Dạo quanh thị trường cho thấy, ngoài các loại mứt truyền thống như dừa, gừng, tắc, táo, xoài, bí, me, Tết năm nay, các cửa hàng, siêu thị có thêm nhiều loại trái cây sấy dẻo, sấy khô giòn như ổi, hồng, cam, bưởi, nho nguyên cành, chà là nguyên cành, khay mứt thập cẩm Đà Lạt gồm 12 vị trái cây… với giá dao động 120-350 ngàn đồng/kg. Ngoài các thương hiệu bánh nổi tiếng trong nước, năm nay, người bán nhập về tương đối đa dạng các mẫu bánh kẹo hộp thiếc với giá 200-600 ngàn đồng/hộp. Đặc biệt, các loại bánh mứt mới lạ được ưa chuộng năm nay là bánh tươi của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; mứt sấy dẻo Đà Lạt; các loại hạt cao cấp đóng hộp như mắc ca, điều, hạnh nhân… với giá 150-280 ngàn đồng/kg. Theo nhiều người bán, giá hầu hết các loại đều không tăng so năm trước, chỉ một số ít loại tăng 5-10 ngàn đồng/kg.
Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tam Ba chuẩn bị nguồn bánh mứt phong phú, đa dạng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Ảnh: T.N
Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tam Ba chuẩn bị nguồn bánh mứt phong phú, đa dạng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Ảnh: T.N
Theo ông Phạm Ngọc Dự-Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), năm nay, nguồn thu nhập trong dân giảm nên việc mua sắm bánh mứt sẽ hạn chế. “Sở Công thương đã đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng Tết, vận động các siêu thị, doanh nghiệp đầu mối tích cực đưa những ngành hàng thiết yếu, trong đó có bánh mứt phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa với phương thức bán hàng lưu động và phân phối cho các hệ thống bán lẻ. Trong dịp Tết, dự kiến toàn tỉnh sẽ tiêu thụ khoảng 1.900 tấn bánh mứt, kẹo các loại với trị giá 247 tỷ đồng”-ông Dự thông tin thêm.
Nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, không để hàng hóa kém chất lượng lưu thông trên thị trường, ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2020-cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh đã và sẽ tiến hành kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 25-12-2019 đến 23-1-2020. Trong đó, đoàn tập trung vào các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: bánh mứt, kẹo, hạt dưa, rượu, bia, nước giải khát… nhằm ngăn chặn, hạn chế thấp nhất lượng hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng tung ra thị trường và tuồn về vùng sâu, vùng xa. “Trong dịp Tết, hình thức buôn bán hàng hóa phổ biến là xé lẻ cân ký. Do đó, khi mua những loại hàng hóa này, người dân phải đề nghị cơ sở cung cấp bao bì của sản phẩm để kiểm tra nguồn gốc, tránh mua nhầm hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng”-ông Đang khuyến cáo.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.